Đó là số liệu từ báo cáo thường niên của Global Energy Monitor - Tổ chức giám sát năng lượng toàn cầu có trụ sở tại San Francisco (Hoa Kỳ). Trong đó, Trung Quốc chiếm 2/3 tổng lượng bổ sung mới so với phần còn lại của thế giới.
Cụ thể, theo cuộc khảo sát “Boom and Bust Coal 2024” của Global Energy Monitor và các đối tác trong lĩnh vực năng lượng đăng tải tháng 4/2024, trong năm 2023, khoảng 69,5 Gigawatt (GW) công suất điện than được đưa vào vận hành, trong khi chỉ 21,1 GW được cắt giảm. Điều này dẫn đến mức tăng ròng hằng năm thêm 48,4 GW và tổng công suất toàn cầu đạt 2.130 GW - mức cao nhất về công suất than ghi nhận từ năm 2016.
“Boom and Bust” là báo cáo khảo sát thường niên chuyên tập trung phân tích các xu hướng chính về công suất điện than, cũng như cung cấp những hiểu biết quan trọng về tình trạng ngừng sử dụng loại năng lượng này trên toàn thế giới và đánh giá tiến độ hướng tới các mục tiêu, cam kết về khí hậu toàn cầu, theo định nghĩa từ Global Energy Monitor.
Báo cáo từ các chuyên gia Global Energy Monitor còn cho thấy, công suất hoạt động tại các nhà máy điện than Bắc Kinh hiện vẫn đang dẫn đầu toàn cầu, với mức tăng 47,4 GW ghi nhận trong năm 2023 - tức chiếm khoảng 2/3 tổng toàn cầu, trong khi chỉ giảm 3,7 GW. Lần lượt xếp sau đó là Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Nhật Bản, Bangladesh, Pakistan, Hàn Quốc, Hy Lạp và Zimbabwe. Như vậy, công suất điện than toàn cầu tiếp tục tăng bất chấp Thỏa thuận chung Paris (Paris Agreement), với mức tăng 2% năm 2023.
“Thỏa thuận chung Paris” là hiệp định chung được 194 quốc gia và Liên minh EU thiết lập từ tháng 12/2015. Căn cứ thỏa thuận này, những bên tham gia có nghĩa vụ giảm lượng phát thải nhằm duy trì tốc độ tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 2°C so với mức tiền công nghiệp và tiếp tục theo đuổi mục tiêu dưới 1,5°C. Đồng thời, các quốc gia cần định kỳ đánh giá tiến trình chung và hỗ trợ cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển, theo định nghĩa từ Liên Hợp Quốc (United Nations).
Giảm công suất điện than cũng như chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, tái tạo đang là xu hướng chung (Nguồn: U.S. Department of Energy Office of Energy Efficiency and Renewable Energy)
Trái ngược với sự tăng trưởng ở một số nước trong khu vực châu Á, công suất nhà máy than ở Hoa Kỳ trong năm 2023 chỉ đạt 9,7 GW - giảm gần một nửa so với năm trước (14,7 GW vào năm 2022), đồng thời không phát sinh hoạt động khai thác mới. Cùng thời điểm ở khu vực châu Âu (EU), chuyên gia cũng ghi nhận khoảng một phần tư các công ty điện than đã ngưng hoạt động, giúp công suất đồng loạt giảm. Trong đó: Vương quốc Anh (3,1 GW), Ý (0,6 GW) và Ba Lan (0,5 GW) dẫn đầu về số công ty nghỉ hưu trong năm trong khu vực.
Tính đến tháng 1/2024, đã có 101 quốc gia chính thức cam kết Không tiếp tục hoạt động khai thác điện than mới hoặc từ bỏ kế hoạch sử dụng than dự kiến sẽ triển khai trong thập kỷ qua. Trong khi đó, chỉ có 6 quốc gia tăng công suất điện than kể từ năm 2015 và mức tăng lớn nhất không vượt quá 3 GW.
Mặc dù công suất điện than tăng trong năm 2023, tổng thể ghi nhận giai đoạn từ năm 2015 - 2023, tổng công suất điện than ở Trung Quốc, Ấn Độ và Türkiye vẫn giảm lần lượt hơn 300 GW, 200 GW và 50 GW.
Global Energy Monitor nhận định, mục tiêu loại bỏ dần hoạt động điện than vào năm 2040 sẽ cần trung bình 126 GW ngừng hoạt động hằng năm trong vòng 17 năm tới, tương đương với công suất khoảng 2 nhà máy than mỗi tuần. Điều này yêu cầu cần cắt giảm nhiều hơn nữa các nhà máy than đang được xây dựng và chuẩn bị xây dựng.
Kelvin Huynh
Bình luận