Cúm mùa: Hiểm họa tiềm ẩn cần đặc biệt chú ý
Sức khỏe

Cúm mùa: Hiểm họa tiềm ẩn cần đặc biệt chú ý

(TAP) - Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm (Influenza virus) thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm mùa lưu hành trên toàn cầu, lây lan nhanh qua đường hô hấp, giọt bắn khi nói chuyện, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với bề mặt có virus. Đáng chú ý, virus có thể lây từ người bệnh ngay cả trước khi triệu chứng xuất hiện một ngày.

Virus cúm có cấu trúc lipoprotein, sức đề kháng yếu và dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia tử ngoại, nhiệt độ cao (56°C) cũng như các chất khử trùng như cồn và chloramine. Tuy nhiên, virus tồn tại hàng giờ ngoài môi trường, đặc biệt trong điều kiện lạnh và ẩm thấp. Ở nhiệt độ từ 0 - 4°C, virus có thể sống vài tuần, trong khi ở -20°C hoặc đông khô, thời gian tồn tại có thể lên đến vài năm.

 Cúm mùa: Hiểm họa tiềm ẩn cần đặc biệt chú ý

Nguồn: WHO

Cúm mùa thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng phổ biến như: sốt cao, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, đau họng, chảy nước mũi…Mặc dù hầu hết các trường hợp hồi phục trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế, cúm mùa có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao gồm trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và những người mắc bệnh mãn tính. Theo WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (US-CDC), cúm mùa liên quan đến từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong mỗi năm.

Hiện có bốn chủng virus cúm chính: A, B, C và D, mỗi loại sở hữu những đặc điểm khác nhau. Trong đó, cúm A chiếm 75% ca nhiễm, lây lan nhanh và biến đổi liên tục. Đặc biệt, các tuýp đáng chú ý gồm H1N1 (gây sốt, đau họng, đau nhức, tiêu chảy; nếu diễn tiến nặng dễ dẫn đến viêm phổi và suy hô hấp), H5N1 (gây sốt cao, đau đầu, diễn tiến nhanh, nguy cơ tử vong cao) và H7N9 (dù dữ liệu còn hạn chế nhưng đã ghi nhận nhiều ca viêm phổi nặng). Trong khi cúm B chiếm 25% ca nhiễm, lây lan nhanh nhưng ít khả năng gây đại dịch. Trẻ nhỏ mắc cúm B thường xuất hiện triệu chứng buồn nôn và tiêu chảy. Ngược lại, cúm C hiếm khi gây dịch lớn do chỉ gây triệu chứng nhẹ còn cúm D chủ yếu lây ở gia súc và chưa có bằng chứng lây sang người.

 Cúm mùa: Hiểm họa tiềm ẩn cần đặc biệt chú ý

Ảnh minh họa

Để phòng tránh cúm mùa, cách hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin hàng năm. WHO khuyến cáo tiêm phòng cho các nhóm nguy cơ cao, bao gồm: phụ nữ mang thai, trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, người cao tuổi (trên 65 tuổi), người mắc bệnh mãn tính, nhân viên y tế. Ngoài vắc-xin, việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và lau khô tay đúng cách
  • Che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi, sử dụng khăn giấy đúng cách
  • Tránh tiếp xúc gần với người bệnh
  • Tự cách ly khi có dấu hiệu cúm
  • Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa sạch

Cúm mùa có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở nhóm nguy cơ cao. Chủ động phòng bệnh bằng tiêm vắc-xin và thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân là chìa khóa để bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi dịch bệnh này.

Trang Thanh

Bình luận