Chủ tịch Võ Văn Thưởng phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản
Tin Việt Nam

Chủ tịch Võ Văn Thưởng phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản, ngày 29/11, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã đến thăm và phát biểu diễn văn chính sách tại Quốc hội Nhật Bản, cơ quan lập pháp lâu đời nhất châu Á.

Theo bản toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam, đầu tiên, nhà lãnh đạo Việt Nam gửi lời cảm đến ông Nukaga Fukushiro - Chủ tịch Hạ viện, ông Otsuji Hidehisa - Chủ tịch Thượng viện, cùng các vị Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản vì dành sự vinh dự phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản. Đồng thời, Chủ tịch Võ Văn Thưởng cũng thông qua một số ý chính trong bài phát biểu bao gồm: nội dung cơ bản về mối quan hệ giữa hai nước; tầm nhìn về tương lai và vị trí của mối quan hệ này đối với hai dân tộc, đối với hòa bình, hợp tác, phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Võ Văn Thưởng phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản

Chủ tịch Võ Văn Thưởng phát biểu diễn văn chính sách tại Quốc hội Nhật Bản (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam)

Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản là “lương duyên trời định”

Trước đại biểu, Nghị sĩ Nhật Bản, người đứng đầu nhà nước Việt Nam ôn lại mối lương duyên từ hơn 1000 năm trước giữa hai quốc gia. Chủ tịch nước dẫn lại nhận định của Nhà chí sĩ Phan Bội Châu nói về Việt Nam – Nhật Bản là hai nước “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”, tuy không gần nhau về mặt địa lý nhưng có nhiều sự tương đồng, gắn kết văn hóa, lịch sử, con người. Qua đó, Chủ tịch Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Nếu dùng một câu thật khái quát, ngắn gọn và cảm xúc về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản thì xin nói là: Lương duyên trời định”.

Những thành tựu của Việt Nam

Trong bài phát biểu, Chủ tịch Võ Văn Thưởng điểm lại thành tựu của Việt Nam thuộc các lĩnh vực kinh tế xã hội, đường lối đối ngoại, chính trị, quốc phòng an ninh. Về kinh tế, Việt Nam đã đạt GDP xếp vị trí 35 trên toàn thế giới, đứng thứ 5 ở châu Á và thứ 20 trên thế giới về thu hút FDI và trao đổi thương mại. Nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu đến 2030, Việt Nam sẽ vươn lên thành nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Qua đó, Chủ tịch Võ Văn Thưởng khẳng định rằng: “Những thành tựu của đất nước mặt trời mọc là nguồn cổ vũ lớn lao, kinh nghiệm hữu ích, động lực to lớn đối với Việt Nam”.

Hành trình 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

Chủ tịch Võ Văn Thưởng cho biết, 50 năm qua, Việt Nam - Nhật Bản đã cùng nhau tiến từng bước vững chắc để xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa hai dân tộc. Đến nay, Nhật Bản trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đối tác hợp tác lao động thứ hai, đối tác đứng thứ ba về đầu tư du lịch và thứ tư về thương mại. Trước Quốc hội Nhật Bản, thành viên Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam, ngài nhấn mạnh: “Các vị chính là cầu nối quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, chuyến thăm của hơn 1000 đại biểu do ông Nikai Tosihirô - Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam dẫn đầu thăm Việt Nam vào năm 2020, được xem như sự kiện hiếm có của lịch sử ngoại giao hai nước”.

Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong tương lai

Nhận định về tương lai của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, Chủ tịch nước cho biết cần triển khai khuôn khổ quan hệ mới với những tư duy mới, định hướng mới, cách làm mới. Đó là thực hiện 6 tăng cường bao gồm: tin cậy chính trị, liên kết hai nên kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, hợp tác về quốc phòng an ninh, hợp tác địa phương, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, lao động và giao lưu nhân dân, hợp tác trên nhiều lĩnh vực mới, hợp tác, phối hợp trên các diễn đàn đa phương và khu vực. Đồng thời, Chủ tịch Võ Văn Thưởng bày tỏ: “Chúng ta cùng nhau quyết tâm xây dựng quan hệ hai nước thực sự là: Bạn bè chân thành, đối tác tin cậy, hợp tác chiến lược, tương lai bền vững”.

Mie Duong

Bình luận