(TAP) - Tín ngưỡng thờ Mẫu hay thờ mẫu Tam Phủ là nét độc đáo trong văn hóa tâm linh Bắc Bộ (Việt Nam) khi có sự kết tinh giữa giá trị nhân văn và nghệ thuật truyền thống đặc sắc.
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Việt Nam), tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã được tổ chức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.
Thờ Mẫu Tam Phủ ở Việt Nam (Nguồn: Facebook)
Thờ Mẫu xuất phát từ tín ngưỡng dân gian lâu đời, gắn liền gắn với lễ nghi, phong tục, tập quán truyền thống, phản ánh quan niệm của người Việt trong lịch sử, cách nhìn nhận cuộc sống. Đồng thời, việc thực hành tín ngưỡng trong cộng đồng còn góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc, phần nào thể hiện ước mơ, khát vọng của con người Việt Nam.
Đặc biệt ở Bắc Bộ - cái nôi của đạo “Thờ Mẫu”, niềm tin trong tín ngưỡng được thể hiện thông qua các thần tích, cách sắp xếp, bố cục thần điện, phản ánh vị trí trung tâm của việc tôn thờ người Mẹ, thông qua hình tượng Mẫu/Thánh Mẫu, “Tam tòa Thánh Mẫu” cai quản cả 3 miền (trời - đất - nước), song đều mang tấm lòng yêu thương, bảo trợ cho cuộc sống.
Tín ngưỡng thờ Mẫu xoay quanh hệ thống Tam Phủ, bao gồm: Mẫu Thượng Thiên (cai quản trời); Mẫu Thượng Ngàn (cai quản rừng núi); Mẫu Thoải (cai quản sông nước). Trong Thờ Mẫu Tam Phủ nghi thức hầu bóng hầu đồng là nghi thức vô cùng quan trọng. Nếu như tín ngưỡng thờ Mẫu là cơ sở thể hiện niềm tin tâm linh, nghi lễ hầu đồng chính là nghi thức quan trọng nhất của tín ngưỡng này.
Hiện, chưa có định nghĩa cụ thể về tục hầu đồng, đây chỉ là khái niệm để chỉ chung trạng thái tâm linh khi thần thánh “nhập” vào người ông/bà đồng và thông qua thân xác để truyền đạt lời nói, hành động, ý muốn. Theo dân gian, nghi thức hầu đồng, hay hầu bóng gồm một chuỗi lễ tiết và do những người được “nhà Thánh chọn” để làm các công việc lễ bái, chiêm bái kính thỉnh các đấng thần linh thờ trong điện Mẫu. Về bản chất, hầu đồng là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các vị đồng nam, nữ. Khi các vị thánh thần nhập vào người hầu đồng, họ sẽ thực hiện các nghi thức như múa hát, chầu văn, phán truyền,...
Nghi lễ hầu bóng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt (Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội - Việt Nam)
Cũng bởi sự phổ biến ăn sâu bén rễ vào đời sống tâm linh và tính độc đáo của những nghi thức trong hầu đồng nên ngày 01/12/2016 tại Ethiopia, UNESCO chính thức công nhận “Những thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tín ngưỡng thờ Mẫu mang nhiều giá trị đối với văn hóa, đời sống cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tâm linh, giúp con người gửi gắm niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Thông qua các nghi thức như hầu đồng, người tham gia được kết nối với các vị thần linh và cảm nhận được sự bảo bọc che chở từ các vị thần. Ngoài ý nghĩa về tinh thần tín ngưỡng, thờ Mẫu còn là cầu nối văn hóa, giúp bảo tồn các giá trị truyền thống, phát triển văn hóa, du lịch. Các buổi nghi lễ, lễ hội thờ Mẫu thu hút không chỉ người Việt mà còn cả du khách quốc tế, giúp kết nối văn hóa giữa Việt Nam lẫn quốc tế
Trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển kéo con người ta vào guồng quay công việc, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn giữ vững địa vị như một giá trị văn hóa linh thiêng giúp con người tìm về với nguồn cội. Những lễ hội như lễ hội Phủ Dầy - Nam Định, Đền Bắc Lệ - Lạng Sơn luôn thu hút rất nhiều người dân tham gia góp phần cố kết cộng đồng thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tu Viet
Bình luận