Trump sắp nhậm chức, Ukraine nhận viện trợ cuối cùng dưới thời Biden
Tin Quốc Tế

Trump sắp nhậm chức, Ukraine nhận viện trợ cuối cùng dưới thời Biden

(TAP) - Chỉ chưa đầy hai tuần trước khi ông Donald Trump chính thức bước vào nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ trên mặt trận hỗ trợ Ukraine bằng gói viện trợ quân sự trị giá 500 triệu USD. Quyết định này không chỉ củng cố mối quan hệ đối tác giữa Washington và Kyiv mà còn gửi một thông điệp rõ ràng tới Moscow rằng Hoa Kỳ không có ý định giảm cam kết trong cuộc xung đột đang diễn ra. 

Theo các nguồn tin quốc tế, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin công bố thông tin trên tại cuộc họp Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (UDCG) ở Đức vào ngày 09/1 (giờ địa phương), đánh dấu một nỗ lực cuối cùng của chính quyền Biden nhằm định hình chính sách đối ngoại trước khi chuyển giao quyền lực. Ông Austin nhấn mạnh: "Gói viện trợ bao gồm các hệ thống phòng không tiên tiến, đạn dược không đối đất và thiết bị hỗ trợ phi đội F-16." Đáng chú ý, gói viện trợ được triển khai theo Quyền Điều chỉnh Nguồn lực Tổng thống (PDA), một cơ chế cho phép Chính phủ Hoa Kỳ nhanh chóng chuyển giao khí tài quân sự từ kho dự trữ mà không cần Quốc hội phê chuẩn. 

 

Nguồn: U.S. Department of Defense ‘s website

Đây là biểu hiện rõ nét cho tính cấp bách, mức độ ưu tiên, đồng thời thể hiện cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine của Washington trong cuộc đối đầu căng thẳng với Nga. Nội dung gói viện trợ phản ánh sự tập trung vào nâng cao khả năng tác chiến quân đội Ukraine. Bao gồm: các tên lửa phòng không hiện đại, đạn không đối đất chính xác cao, hệ thống cầu bọc thép, vũ khí hạng nhẹ và các phụ tùng thay thế quan trọng. Những trang bị đó được kỳ vọng sẽ giúp Kyiv củng cố năng lực phòng thủ, cũng như tăng cường sức mạnh trên chiến trường khi cuộc chiến bước sang giai đoạn ngày càng khốc liệt.

Ở bối cảnh này, ông Austin cảnh báo rằng nếu Ukraine thất thủ, Nga có thể tiếp tục mở rộng tham vọng vượt ra ngoài biên giới Ukraine, gây nguy cơ bất ổn cho toàn bộ châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, tại cùng sự kiện, đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của Hoa Kỳ trong việc dẫn dắt UDCG. Song, ông Pistorius để ngỏ khả năng rằng liên minh quốc tế phải tự thích nghi nếu chính quyền Trump có lập trường khác biệt: "Nếu Washington quyết định rút lui, chúng tôi sẽ buộc phải đưa ra các quyết định độc lập để đảm bảo an ninh khu vực," ông nói.

Trump sắp nhậm chức, Ukraine nhận viện trợ cuối cùng dưới thời Biden

Nguồn: U.S. Department of Defense ‘s website

Đáng chú ý, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đưa ra lời kêu gọi các đồng minh phương Tây tăng cường hỗ trợ, thậm chí triển khai binh sĩ tới Ukraine. Dù vậy, lời kêu gọi thiếu các chi tiết cụ thể, đặt ra câu hỏi về việc liệu sự tham gia của các đồng minh phương Tây chỉ giới hạn vai trò gìn giữ hòa bình hay mở rộng sang hỗ trợ chiến đấu trực tiếp.

Về mặt tổng thể, Hoa Kỳ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine với tổng giá trị viện trợ đạt 175 tỷ USD. Trong đó, hơn 106 tỷ USD được chuyển trực tiếp tới Kyiv, bao gồm 69,8 tỷ USD viện trợ quân sự, 33,3 tỷ USD hỗ trợ tài chính, và 2,8 tỷ USD dành cho cứu trợ nhân đạo. Tuy nhiên, sự chuyển giao quyền lực sắp tới tại Nhà Trắng đang đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai chính sách viện trợ.

Ông Trump, xuyên suốt chiến dịch tranh cử, từng nhiều lần chỉ trích các gói viện trợ lớn dành cho Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng ông có thể chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine chỉ trong 24 giờ. Dù tuyên bố này gây chú ý nhưng thiếu các chi tiết cụ thể, tạo ra những mơ hồ về chiến lược thực chất từ ông. Nếu Washington rút lui hoặc giảm bớt hỗ trợ, không chỉ Kyiv mà toàn bộ liên minh phương Tây cũng sẽ đối mặt thách thức duy trì ổn định trước một nước Nga ngày càng quyết đoán.

Viet Anh

 

Bình luận