(TAP) - Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (đạo ông bà) ở Việt Nam là tục lệ được thực hành dựa trên đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Theo đó, người Việt lập bàn thờ để thờ phụng, cúng bái nhằm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với ông, bà, tổ tiên nhiều đời đã khuất.
Được biết, thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng chuyển tải thông điệp từ các hậu thế hướng tới linh hồn tổ tiên qua việc thờ cúng. Người Việt quan niệm rằng thể xác có thể tiêu tan nhưng linh hồn của ông, bà nhiều đời vẫn còn hiện hữu chứng kiến, dõi theo, quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của con cháu. Chính vì thế, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên một phần ảnh hưởng đến hành vi, cách ứng xử của con người.
Hình ảnh minh họa
Tại Việt Nam, tín ngưỡng này bắt nguồn từ nền kinh tế nông nghiệp trong xã hội phụ quyền xưa, sau được thực hành phổ biến, ổn định đến ngày nay. Không chỉ người dân trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Hình thành một tập tục văn hóa truyền thống, giữ vai trò, vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt.
Hầu hết các gia đình đều có bàn thờ tổ tiên trong nhà, treo di ảnh một cách trang trọng thường xuyên cúng bái. Đặc biệt là các ngày Sóc - Vọng (Sóc là ngày Mồng Một, Vọng là ngày Rằm hàng tháng), lễ Tết, giỗ. Tuy nhiên, vì tín ngưỡng mang tính chất dân dã nên các hành vi, lễ thức thường được du di tùy theo từng điều kiện cụ thể cũng như không hoàn toàn thống nhất ở các gia đình, địa phương, thời đại.
Các nghi thức thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam đa phần phỏng theo điển lễ Nho giáo, cơ bản nhất là cúng-khấn-vái-lạy. Không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy, chỉ cần một nén hương (nhang) cũng đủ để con cháu hậu thế thể hiện tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn với người thân đã mất.
Trang Thanh
Bình luận