Quá trình phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 thúc đẩy bất động sản, chứng khoán tăng trưởng mạnh, đồng thời giúp nhiều người giàu hưởng lợi. Song, chuyên gia thuộc lĩnh vực tài chính đánh giá, việc “bùng nổ” tài sản toàn cầu sẽ kéo theo nỗi lo về chênh lệch khoảng cách giàu nghèo.
Báo Dân trí (Việt Nam) ngày 21/9/2022 đưa tin, theo báo cáo thống kê từ Credit Suisse - Ngân hàng chuyên cung cấp dịch vụ tài chính trụ sở tại thành phố Zürich (Thụy Sĩ), số lượng người giàu thế giới không ngừng tăng mạnh sau đại dịch COVID-19.
Người giàu và siêu giàu hưởng lợi trực tiếp từ quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu (Nguồn: Dân trí)
Dựa vào báo cáo ngày 20/9/2022 từ Ngân hàng Credit Suisse, có thể nhận thấy nhóm UHNW (các cá nhân sở hữu giá trị tài sản lớn) đã tăng từ 46.000 lên 218.200 người. Nguyên nhân dẫn đến sự “bùng nổ” trên được Credit Suisse đánh giá có liên quan đến quá trình tăng trưởng trở lại của chứng khoán và bất động sản.
Ngân hàng này tính toán, với tài sản ròng trung bình trên 50 triệu USD/người, UHNW là một trong những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất ở giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đồng thời, tổng tài sản toàn cầu thời điểm cuối năm 2021 cũng đạt 463,6 nghìn tỷ USD – tức tăng 9,8% (hơn 41,4 nghìn tỷ USD) so với năm 2020.
Giáo sư kinh tế Anthony Shorrock - tác giả báo cáo trên nhận định, sự bùng nổ cuối năm 2021 là cột mốc tăng trưởng lớn nhất từ trước đến nay. Khoảng 1% người giàu nhất hiện nắm giữ 46% của cải toàn cầu - tăng 2% so với số liệu của năm 2020 (44%). Ngoài ra, toàn thế giới có tổng cộng 62,5 triệu triệu phú (tương đương dân số ở Anh), trong đó hơn 1/3 đang sống ở Hoa Kỳ.
Những người thuộc nhóm siêu giàu chỉ chiếm 0,00004% dân số, trong khi ở chiều hướng ngược lại, hàng tỷ người thu nhập trung bình và thấp phải ngày ngày chật vật trước tình trạng giá năng lượng, lương thực leo thang. Vì thế, phía Credit Suisse nhấn mạnh, vấn đề “bùng nổ” tài sản toàn cầu sẽ tiếp tục nới rộng khoảng cách giàu nghèo.
Thái Sơn (TH)
Bình luận