(TAP) - “G20 cần ủng hộ Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế, đồng thời thúc đẩy hòa bình và hợp tác toàn cầu. Để làm dịu tình hình khủng hoảng Ukraine và tìm kiếm một giải pháp chính trị bền vững, chúng ta cần kiên định với nguyên tắc không làm căng thẳng thêm chiến trường, không đẩy mạnh thù địch và không khơi mào những căng thẳng mới”.
Đây là nhận định từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi phát biểu về cải cách thể chế quản trị toàn cầu tại Phiên họp II Hội nghị thượng đỉnh G20 2024 diễn ra ở Rio de Janeiro vào hôm 18/11 (giờ địa phương). Ông nhấn mạnh quản trị an ninh toàn cầu là một phần không thể thiếu của quản trị toàn cầu. Đề cập đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc và Brazil, cùng với một số quốc gia Nam bán cầu khác, đã thành lập nhóm “bạn bè vì hòa bình” nhằm tập hợp nhiều tiếng nói hơn cho hòa bình. Ngoài ra, ông cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc giao tranh ở Gaza và kêu gọi tất cả các bên ngừng bạo lực, hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và hướng tới giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Palestine - Israel.
Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên trang thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Bên cạnh quản trị an ninh, Chủ tịch Tập Cận Bình còn trình bày các đề xuất quan trọng nhằm cải thiện việc quản trị ở lĩnh vực kinh tế, tài chính, thương mại, kỹ thuật số, môi trường sinh thái trên toàn cầu. Về quản trị kinh tế toàn cầu, ông cho rằng cần xây dựng một nền kinh tế ổn định và bền vững, dựa trên hợp tác quốc tế. Ông khuyến nghị các quốc gia tiếp tục thúc đẩy chiến lược tăng trưởng toàn diện và cải cách các chính sách tài chính vĩ mô, tài khóa và tiền tệ để đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Đồng thời, ông khẳng định tầm quan trọng của việc giảm nợ cho các nước đang phát triển, phục hồi niềm tin vào hệ thống tài chính quốc tế, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.
Trong lĩnh vực quản trị tài chính toàn cầu, Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất các cải cách đối với các tổ chức tài chính quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhằm nâng cao sự tiếng nói các quốc gia đang phát triển. Ông cũng yêu cầu các quốc gia phát triển thực hiện trách nhiệm trong việc duy trì ổn định tài chính quốc tế, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nguồn: Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China
Về quản trị thương mại toàn cầu, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng cần thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ cũng như các biện pháp đơn phương. Ông nhấn mạnh rằng việc phục hồi cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO rất cần thiết để bảo vệ hệ thống thương mại công bằng, minh bạch. Vị Chủ tịch khuyến khích các quốc gia G20 hợp tác duy trì thị trường toàn cầu mở, chống phân mảnh và từ chối việc lợi dụng phát triển xanh như một lý do để bảo vệ các lợi ích riêng biệt.
Ở vấn đề quản trị kỹ thuật số toàn cầu, Chủ tịch Tập Cận Bình đặc biệt đề cao hợp tác quốc tế trong phát triển và quản lý trí tuệ nhân tạo (AI). Ông cho rằng AI phải phục vụ lợi ích chung toàn nhân loại, thay vì chỉ phục vụ các quốc gia phát triển hay các tập đoàn lớn. Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị AI Thế giới 2024 và tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng các quy tắc toàn cầu về AI nhằm bảo vệ lợi ích chung, tránh sự bất công khi áp dụng công nghệ này.
Cuối cùng, về quản trị sinh thái toàn cầu, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc thực hiện đầy đủ các thỏa thuận quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học. Tiêu biểu như Thỏa thuận Paris và Khung Đa dạng Sinh học Côn Minh - Montreal. Ông đề xuất các quốc gia phát triển hỗ trợ tài chính, công nghệ cho các quốc gia đang phát triển trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và bảo vệ môi trường. Trung Quốc cam kết tiếp tục hợp tác cùng các quốc gia khác về cơ sở hạ tầng xanh, năng lượng tái tạo, các giải pháp bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Jame Le
Bình luận