(TAP) - Trong chuyến thăm Philippines vừa qua, đại diện cơ quan Quốc phòng thuộc Nội các Hoa Kỳ đã công bố khoản viện trợ nhân đạo bổ sung giúp chính quyền Manila ứng phó siêu bão. Bên cạnh đó, đôi bên cũng thống nhất hợp tác chung về an ninh thông tin quân sự, bao gồm ký kết hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo.
Bộ Quốc phòng (Department of Defense, viết tắt: DOD) Hoa Kỳ ngày 18/11 vừa qua (giờ địa phương) đăng thông tin cho biết, người đứng đầu cơ quan - Bộ trưởng Lloyd J. Austin III đã có chuyến thăm Philippines cùng ngày, gặp gỡ người đồng cấp phía chính quyền Manila - ông Ferdinand Marcos Jr. Đây là chuyến thăm chính thức Philippines lần thứ 04 của người đứng đầu cơ quan Quốc phòng thuộc Nội các Chính phủ Hoa Kỳ. DOD dẫn lời Bộ trưởng Lloyd J. Austin III nói rằng, Washington, D.C đã thông qua khoản viện trợ nhân đạo bổ sung 1 triệu USD từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (U.S. Agency for International Development, viết tắt: USAID) hỗ trợ Philippines ứng phó với Siêu bão Pepito.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd J. Austin III và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Ferdinand Marcos Jr (Nguồn: X “Secretary of Defense Lloyd J. Austin III @SecDef”)
Tại cuộc thảo luận, các nhà lãnh đạo đã trao đổi về hoạt động hợp tác Quốc phòng cũng như quan ngại về an ninh khu vực. Đôi bên nhấn mạnh nhu cầu phối hợp có chiều sâu để giải quyết thách thức ở Biển Đông. Bộ trưởng DOD Hoa Kỳ nhấn mạnh sự ủng hộ liên tục đối với Philippines trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền và quyền tài phán. Ông Lloyd J. Austin III tái khẳng định cam kết của Washington, D.C trong việc tăng cường năng lực phòng thủ và giúp đồng minh chống lại các mối đe dọa. Trong chuyến dừng chân tại Trại Aguinaldo, đại diện hai nước cũng ký Thỏa thuận chung về an ninh thông tin quân sự (General Security of Military Information Agreement, viết tắt: GSOMIA) và khởi công Trung tâm điều phối kết hợp song phương (Combined Coordination Center), tăng cường hợp tác Quốc phòng và chia sẻ thông tin. Các nhà lãnh đạo cũng đến thăm Trung tâm hợp nhất C2 song phương - một trong số nhiều cơ sở do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ (United States Indo-Pacific Command) xây dựng tại Philippines để tăng cường hoạt động tình báo.
Cũng theo DOD, Bộ trưởng Lloyd J. Austin III cùng người đồng cấp phía Manila đã tham gia buổi quan sát trình diễn Tàu mặt nước không người lái T-12 (T-12 Unmanned Surface Vessel) - vũ khí được Hoa Kỳ cung cấp, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực tình báo, trinh sát và nhận thức về lĩnh vực hàng hải của Lực lượng vũ trang Philippines (Armed Forces of the Philippines, viết tắt: AFP). Đồng thời, thảo luận về cách AFP có thể tận dụng thêm các công nghệ này bảo vệ và bảo vệ chủ quyền trong Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone).
Truyền thông phía Manila (Philippine Daily Inquirer) cho biết, nước này và Washington, D.C đàm phán ký kết GSOMIA kể từ cuối năm 2021, nhưng thời hạn hoàn tất thỏa thuận bị lùi lại nhiều lần do Philippines cần đáp ứng các biện pháp an ninh cần thiết. Tờ báo này nói rằng, một cơ quan trực thuộc DOD đã tiến hành đánh giá nhiều cơ sở quân sự Philippines những tháng gần đây. Kết quả khả quan từ cuộc kiểm tra đóng góp không nhỏ trong việc thúc đẩy chính thức hóa hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự.
Hoa Kỳ và Philippines vừa ký kết hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo (Nguồn: X “Secretary of Defense Lloyd J. Austin III @SecDef”)
Theo truyền thông châu Á (Asia News Network) nhận định, kể từ khi Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos nhậm chức vào năm 2022, nước này đã xích lại gần Hoa Kỳ hơn. Trong khi người tiền nhiệm trước đó - Cựu Tổng thống Rodrigo Duterte được cho là có nhiều chính sách đối ngoại hướng về Bắc Kinh. Hiện nay, Manila đang có Hiệp ước phòng thủ chung (Mutual Defense Treaty) với Washington, D.C với hiệu lực từ năm 1951, trong đó yêu cầu mỗi bên phải bảo vệ bên kia trong trường hợp bị tấn công vũ trang. Quốc gia Đông Nam Á này cũng có Hiệp định Lực lượng thăm viếng (Visiting Forces Agreement) với Hoa Kỳ hiệu lực từ những năm 1990 và Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (Enhanced Defense Cooperation Agreement) hiệu lực từ năm 2016.
Trong khi chuyến công du của Bộ Trưởng Hoa Kỳ diễn ra, Asia News Network dẫn một tuyên bố của Bộ ngoại giao Trung Quốc (Ministry of Foreign Affairs of the People's Republic of China) ngày 19/11 cho rằng, không nên có thỏa thuận quân sự hay hợp tác an ninh nào nhắm hoặc gây tổn hại đến lợi ích bên thứ ba. Bắc Kinh đề nghị, các nước không làm suy yếu hòa bình hoặc trầm trọng thêm căng thẳng khu vực. Nước này cho biết, lựa chọn đúng đắn duy nhất để bảo vệ an ninh quốc gia là duy trì tình láng giềng, hữu nghị và độc lập chiến lược.
Kane Nguyen
Bình luận