Nghề chăn nuôi gà đồi tại vùng trung du miền núi Quảng Bình
Đời sống

Nghề chăn nuôi gà đồi tại vùng trung du miền núi Quảng Bình

Những năm gần đây, nghề chăn nuôi gà đồi đã đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho bà con nông dân miền trung du. Song, bên cạnh những cơ hội, đâu đó vẫn tiềm tàng những thách thức mang tên dịch bệnh Covid-19.

So với giống gà công nghiệp phổ biến trên thị trường, gà đồi có những ưu thế vượt trội về chất lượng và hiệu quả kinh tế. Nhờ được chăn thả tự nhiên tại vùng trung du cùng hàng loạt tiến bộ về trang thiết bị máy móc, chuồng trại, quy trình chăn nuôi khoa học, những năm qua công việc chăn nuôi gà đồi luôn đảm bảo về chất lượng và năng suất tiêu thụ. Sau những thành công tại vùng Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), nhiều địa phương khác như Phú Thọ, Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Bình,… cũng dần chuyển hướng xây dựng mô hình chăn nuôi gà đồi với hy vọng đem lại thu nhập ổn định.

Nghề chăn nuôi gà đồi tại vùng trung du miền núi Quảng Bình

Địa hình Trung du miền núi phía Bắc phù hợp để phát triển trồng trọt và chăn nuôi

Anh Cao Minh Thi, Giám đốc Công ty TNHH Thực Phẩm Minh Trung chia sẻ, trước đây người dân tại xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) thường xây chuồng trại, chăn thả gà trên những ngọn đồi hoặc vườn cây ăn quả rồi liên kết tiêu thụ với các chợ đầu mối, nhà hàng trên địa bàn tỉnh. Gà đồi thường đạt chuẩn sau khoảng 4 đến 5 tháng, với ngoại hình săn chắc, cứng cáp, thịt thơm ngon. Tuy nhiên, cũng theo anh Thi, ngày trước người dân vẫn thiếu kinh nghiệm trong khâu lựa chọn con giống nên tỷ lệ gà chết vẫn còn cao, trung bình khoảng 30 đến 40 phần trăm toàn đàn. Chưa kể quy mô kinh doanh còn nhỏ lẻ, nên nông dân thường vấp phải tình trạng tiểu thương ép giá, dẫn đến hiệu quả kinh tế bấp bênh, thiếu ổn định.

Với mong muốn nâng cao vị thế ngành chăn nuôi gà đồi, anh Thi đã nỗ lực nghiên cứu và quyết định “chọn mặt gửi vàng” giống gà của Hợp tác xã chăn nuôi Lạc Thủy (Hòa Bình) để lai giống. Quyết chí phát triển ngành, anh lập trang trại khoảng 5000 con theo mô hình thả đồi truyền thống với 10 lứa gà đầu tiên. Thành công nối tiếp thành công, người dân xã Trung Hóa dần dà cũng tin tưởng và học cách chọn lựa con giống phù hợp, áp dụng khoá học kĩ thuật trong xây dựng chuồng trại và quy trình chăn nuôi. Công ty TNHH Thực Phẩm Minh Trung còn hỗ trợ thu mua sản phẩm, đảm bảo đầu ra và ổn định thu nhập cho người dân.

Nghề chăn nuôi gà đồi tại vùng trung du miền núi Quảng Bình

Nghề chăn nuôi gà đồi tại vùng trung du miền núi Quảng Bình

Trang trại chăn nuôi gà đồi của Công ty TNHH Thực Phẩm Minh Trung tại xã Trung Hóa

Năm 2021, Công ty TNHH Thực Phẩm Minh Trung vinh dự được đánh giá OCOP 3 sao với sản phẩm thịt gà đồi từ hội đồng thẩm định UBND tỉnh Quảng Bình. Thành công có được nhờ vào công tác tiên phong cải thiện chất lượng, xây dựng thương hiệu gà sạch Minh Trung có chỗ đứng trên thị trường, qua đó doanh nghiệp đã giúp nâng cao chất lượng đời sống, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho người dân xã Trung Hóa. Thành tựu bước đầu củng cố niềm tin nơi doanh nghiệp và những cơ sở sản xuất, trang trại chăn nuôi tại địa phương, xa hơn là tiếp tục nâng tầm thương hiệu, phấn đấu phát triển ổn định lâu dài để toàn địa phương cùng nhau đi lên.

Dù các kênh bán hàng truyền thống vẫn là thị trường chính của công ty, anh Thi vẫn đang từng bước kết nối và phân phối các thị trường giàu tiềm năng như Đà Nẵng, Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Đáng chú ý là doanh nghiệp đang nuôi ý định chinh phục thị trường gia cầm tại một số tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam.

Nghề chăn nuôi gà đồi tại vùng trung du miền núi Quảng Bình

Sản phẩm thịt gà đồi đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh trong năm 2021

Tuy nhiên, năm vừa qua phải nói là khó khăn chồng chất khó khăn đối với ngành chăn nuôi tại địa phương. Dịch bệnh hoành hành khiến sức mua giảm sút, chưa kể vấn đề khan hiếm nguyên liệu duy trì sản xuất và cung ứng hàng hóa, khiến việc mở rộng quy mô kinh doanh bị trì trệ. Doanh nghiệp chỉ có thể tiêu thụ sản phẩm tại một số điểm bán, siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn huyện.

Nghề chăn nuôi gà đồi tuy đem lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương nhưng cũng gặp không ít gian truân, thách thức. Tuy vậy ông Thi vẫn lạc quan về tương lai: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn”. Đồng thời, doanh nghiệp cũng ra sức cải thiện chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh từ sản phẩm tươi sống sang chế biến chín và tiếp cận nhiều thị trường tiêu thụ hơn.

Hoàng Thường

 

Bình luận