(TAP) - Trước làn sóng đổ bộ ồ ạt của hàng giá rẻ Temu (Trung Quốc) vào Việt Nam, một số chuyên gia lẫn người trong cuộc đã lên tiếng quan ngại trước những tác động ngành hàng nội địa nước này phải gánh chịu.
Như TAP News từng thông tin, gần đây, Temu - nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới chuyên về hàng giá rẻ của Bắc Kinh đã ra mắt tại thị trường Việt Nam. Từ cảnh báo từ các quốc gia đang phải gánh chịu hệ quả bởi Temu, một số chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng như truyền thông phía chính quyền Hà Nội đã lên tiếng quan ngại trước những “lợi bất cập hại” nước này phải gánh chịu. Trước Temu, nhiều sàn TMĐT khác từ Trung Quốc như Taobao, 1688, Shein cũng đã tiếp cận thị trường Việt Nam.
Mặc dù giá thành thấp có thể mang đến lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng nhìn chung lại tác động mạnh đến bức tranh tổng thể của nền kinh tế khi ảnh hưởng khả năng cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Truyền thông Việt Nam (tờ Vnexpress) dẫn lời Tổng giám đốc Công ty Meet More (doanh nghiệp sản xuất cà phê) - ông Nguyễn Ngọc Luận lo ngại, các đơn vị nội địa nước này đang gặp bất lợi lớn khi cạnh tranh với các doanh nghiệp phía Bắc Kinh trên chính sân nhà. Nguyên nhân được đại diện Meet More đưa ra có liên quan đến việc thiếu chủ động về công nghệ - tức không có một sàn TMĐT đủ sức hút.
Cũng theo ông Luận, cà phê của đơn vị đang được bán với giá 85.000 đồng/hộp. Khi tính thêm phí vận chuyển, người tiêu dùng có thể phải bỏ ra khoản tiền lên tới 105.000 đồng để trải nghiệm sản phẩm. Tuy nhiên, mặt hàng tương tự của Bắc Kinh được thương mại trên các sàn với giá rẻ hơn, bên cạnh đó còn được hưởng chính sách miễn phí giao hàng. Để cạnh tranh, Meet More cũng như nhiều doanh nghiệp nước này buộc phải áp dụng chính sách giảm giá, đồng nghĩa chấp nhận lợi nhuận thấp hơn.
Metric - Nền tảng cung cấp số liệu nghiên cứu về TMĐT công bố báo cáo cho thấy, trong 2 Quý đầu năm nay, người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu gần 144 tỷ đồng để mua sắm trên các sàn. Mặc dù sở hữu tần suất mua hàng online dày đặc, hoạt động thương mại và dòng tiền chủ yếu lưu thông qua các sàn thuộc sở hữu nước ngoài, bao gồm Tiktok, Shopee, Lazada. Số liệu từ nền tảng phân tích dữ liệu thị trường YouNet ECI ghi nhận, cũng trong Quý II/2024, có 261.000 nhà bán trên Shopee, gấp hơn 2 lần TikTok (113.000), Lazada (104.000), trong khi Tiki - một nền tảng TMĐT thuộc sở hữu Việt Nam chỉ có 8.800 đơn vị bán hàng.
CEO Buzi Agency (Việt Nam) Nguyễn Duy Vĩ quan ngại, động thái giảm giá, chạy chương trình để đối với với sự đổ bộ ồ ạt của sản phẩm hàng giá rẻ chỉ là biện pháp ứng phó tức thời. Chuyên gia cho biết, doanh nghiệp nước này không thể liên tục giảm lợi nhuận hoặc cạnh tranh về chi phí so với các nền tảng nước ngoài vì còn chịu sự ràng buộc về phí sản xuất, thuê nhân công và thuế. Ngoài ưu điểm về giá, đại diện Buzi Agency cho rằng, các nền tảng như Temu, Shein,... cũng có sự đa dạng không hề nhỏ. Nhiều mẫu mã được thiết kế tuy bởi các nhãn hàng nội địa Trung, nhưng theo xu hướng quốc tế, khiến người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, không cần chờ đợi đặt hàng các kênh truyền thống.
Tuy nhiên về lâu dài, khi “giá thành rẻ” trở thành thước đo cạnh tranh của các đơn vị, nguy cơ phát sinh tình trạng hàng kém chất lượng và sản phẩm trôi nổi cũng có thể xảy ra. Điều này nhiều không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây khó khăn cho người mua trong việc xử lý khiếu nại và bảo hành vì mua sắm trên nền tảng nước ngoài.
Long Yuan
Bình luận