Bệnh giang mai bẩm sinh ở trẻ có thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Việc phát hiện và điều trị kịp thời là một trong những phương hướng hữu hiệu giúp ngăn ngừa bệnh hiệu quả.
Giang mai là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, phát triển theo từng giai đoạn khác nhau, đi kèm với nhiều dấu hiệu cùng triệu chứng đặc biệt nghiêm trọng. Riêng cụm từ “giang mai bẩm sinh” để chỉ bệnh lây truyền từ mẹ (mắc giang mai) sang thai nhi, thông tin từ Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health).
Ghi nhận ở năm 2022, số trẻ sơ sinh mắc giang mai tại Hoa Kỳ tăng 32% so với năm 2021, đồng thời gấp 10 lần so với thập kỷ trước (2012). Trong số đó, có khoảng gần 300 trường hợp tử vong. Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đánh giá tình hình này là “thảm khốc” và cảnh báo cộng đồng y tế cần sớm can thiệp để bảo vệ sức khỏe cho nhóm đối tượng dễ tổn thương, theo CNN.
Ông David Harvey, Giám đốc điều hành của Liên minh quốc gia các giám đốc (National Coalition of STD Directors, viết tắt: NCSD) đã lên tiếng kêu gọi chính phủ tăng cường hơn nữa nỗ lực chống lại bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đồng thời, đề xuất đầu tư 1 tỷ USD hỗ trợ thực hiện công tác này. Đại diện NCSD cảnh báo, cần nhanh chóng hành động để ngăn chặn và giảm thiểu số lương trẻ sơ sinh mắc bệnh.
Bệnh Giang mai bẩm sinh ở trẻ em có dấu hiệu tăng cao những năm gần đây (Nguồn: CNN)
Cũng theo ông Harvey, sự thiếu hụt Bicillin-LA (thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng giang mai) là khó khăn lớn ảnh hưởng đến mục tiêu phòng bệnh, chữa bệnh. Do nhu cầu sử dụng tăng cao, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược (Food and Drug Administration) Hoa Kỳ từng thông báo về tình trạng thiếu hụt loại thuốc này vào tháng 4/2023. Đồng thời, cơ quan này cho biết, dự kiến phải đến quý II/2024, tình trạng trên mới dần phục hồi, Bộ Y tế tiểu bang Virginia (Virginia Department of Health) thông tin.
Hiện nay, số lượng Bicillin-LA còn ít và không còn trong kho dự trữ khẩn cấp. Vào tháng 10/2023, một liên minh gồm 39 tổ chức y tế công cộng đã gửi thư cho Lực lượng đặc nhiệm chống thiếu thuốc (White House Drug Shortage Task Force) của Nhà Trắng. Nội dung cảnh báo về tình trạng hiện tại và kêu gọi ưu tiên tăng cường sản xuất, cung cấp ở Hoa Kỳ, thông tin từ trang Liên minh Y tế các Thành phố Lớn (Big Cities Health Coalition).
Bên cạnh vấn đề thiếu hụt thuốc men, việc sàng lọc không được ưu tiên cũng là thách thức lớn. Tiến sĩ Deepika Sankaran, chuyên gia y tế tại Marysville (California) hy vọng hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ tập trung triển khai chương trình một cách đồng bộ. Bà Sankaran hiện đảm nhận kiểm tra bệnh giang mai cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm Y tế Khu vực Rideout và Sức khỏe Cơ Đốc Phục Lâm (Adventist Health and Rideout Regional Medical Center).
Sự thiếu hụt xét nghiệm và vật tư điều trị gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ngăn chặn giang mai bẩm sinh ở Hoa Kỳ. Những người thuộc có thu nhập thấp, trình độ học vấn hạn chế là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong việc tiếp cận xét nghiệm và điều trị. Hiện nay, CDC đề xuất mở rộng phạm vi sàng lọc và cung cấp biện pháp hỗ trợ kịp thời để giảm thiểu tình hình.
Long Nguyen
Bình luận