Xử lý nghiêm việc trục lợi trong các chuyến bay đưa công dân về nước
Tin Việt Nam

Xử lý nghiêm việc trục lợi trong các chuyến bay đưa công dân về nước

Liên quan đến vụ việc một số cá nhân của Cục Lãnh sự bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết cơ quan chức năng đang phối hợp điều tra mở rộng vụ án. Đồng thời, chủ trương xử lý nghiêm hành vi trục lợi từ các chuyến bay đưa công dân về nước theo quy định pháp luật, quyết không bao che, không có ngoại lệ hay vùng cấm.

Thông tin từ báo Đảng Cộng sản (Việt Nam), chiều ngày 17/02/2022, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu, việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 thời gian qua là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, mang tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước. Vậy nên, đối với hành vi sai phạm của một số cá nhân Cục Lãnh sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cần được xử lý nghiêm. Song cũng không thể phủ nhận những nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn dịch bệnh đưa công dân về nước của các cơ quan trong nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Xử lý nghiêm việc trục lợi trong các chuyến bay đưa công dân về nước

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: BNG

Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao đang tích cực phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để điều ra mở rộng nhằm rõ vụ việc và các đối tượng liên quan. Bộ Ngoại giao chủ trương sai phạm đến đâu, xử lý đến đó theo đúng quy định của pháp luật, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và bất kể người này là ai.

Ngày 19/02/2022, báo Thanh niên (Việt Nam) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an gửi văn bản đề nghị đến Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (Bộ GT - VT) chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu về việc tổ chức các chuyến bay nhân đạo (không trả phí) và chuyến bay charter (có trả phí) đưa công dân Việt Nam về nước. Cụ thể, Bộ GT - VT cần cung cấp thời gian bắt đầu thực hiện, cơ sở và quy trình, thủ tục xét duyệt cho hãng hàng không mở các chuyến bay trên… Bên cạnh đó, còn cung cấp danh sách chi tiết chuyến bay như: thời gian, số hiệu máy bay, sân bay cất, hạ cánh,... và danh sách công dân về nước, hợp đồng, chi phí của từng chuyến bay. Ngoài ra, danh sách cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay trên cũng được đề nghị làm rõ.

Đến chiều cùng ngày, Bộ GT - VT đã có phản hồi về văn bản đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Theo báo Tiền Phong (Việt Nam), Bộ GT – VT nhanh chóng gửi văn bản chỉ đạo khẩn trương tổng hợp và báo cáo đầy đủ tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Bộ GTVT cho biết, trong quá trình tổ chức các chuyến bay trên Bộ được phân công phối hợp với Bộ Ngoại Giao, Công an, Y tế, Quốc phòng thực hiện công tác bảo hộ công dân. Về việc lên kế hoạch bay và cấp phép bay Bộ giao Cục Hàng không triển khai và do Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) phê duyệt dựa trên sự thống nhất ý kiến của các bộ ngành liên quan. Vì vậy, Bộ GT – VT khẳng định Bộ không được giao trách nhiệm tổng hợp, đánh giá phê duyệt danh sách công dân về nước cũng như cấp phép chuyến bay.

Trước đó, ngày 27/01/2022, Bộ Ngoại giao ra quyết định đình chỉ công tác 04 cán bộ Cục Lãnh sự gồm: Nguyễn Thị Hương Lan - Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (sinh năm 1974, tại Hà Nội); Đỗ Hoàng Tùng - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (sinh năm 1980, tại Hà Nội); Lê Tuấn Anh - Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (sinh năm 1982, tại Hưng Yên); Lưu Tuấn Dũng - Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (sinh năm 1987, tại Hà Nội). Nhằm phục vụ công tác điều tra về hành vi “Nhận hối lộ” xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để trục lợi cá nhân.

Xử lý nghiêm việc trục lợi trong các chuyến bay đưa công dân về nước

Từ trái sang các bị can gồm: Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh và Lưu Tuấn Dũng. Ảnh: BCA

Cùng ngày, sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 04 cá nhân trên về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Hiện tại, vụ việc đang trong quá trình điều tra, những sai phạm cụ thể của các bị can vẫn chưa được Bộ Công an tiết lộ.

Từ lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa khoảng 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Đây là kết quả đáng tự hào trong công tác bảo hộ công dân của Việt Nam. Cùng với các chuyến bay nhân đạo thì còn có chuyến bay charter, chuyến chuyên gia thương mại. Tuy nhiên, những chuyến bay trên lại xảy ra nhiều vấn đề bất cập như: vé máy bay giá cao (tăng từ 3.500 - 6.000 USD/vé), để mua vé nhanh phải thông qua các cá nhân, công ty dịch vụ,… bên cạnh đó là thủ tục và quá trình cách ly tốn kém cũng khiến nhiều người bức xúc. Không chỉ thế, do giá vé quá cao, nhiều người Việt ở nước ngoài đành gác lại việc trở về Việt Nam, thậm chí có những trường hợp đăng ký chuyến nhân đạo về thăm người thân bệnh nặng nhưng đến khi người thân mất vẫn chưa thể về vì không đăng ký qua các đơn vị dịch vụ.

Xử lý nghiêm việc trục lợi trong các chuyến bay đưa công dân về nước

Chính phủ Việt Nam tổ chức hơn 1.000 chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài về nước an toàn. Ảnh minh họa

Liên quan đến sự việc này, nhiều tờ báo đã có bài viết phản ánh như: Tạp chí Người cao tuổi có bài viết “Nhiều vấn đề bất cập trong chuyến bay đưa người Việt về nước” vào ngày 17/07/2021; Tạp chí Làng nghề Việt Nam với bài viết “Chuyến bay đưa người Việt về nước: Còn nhiều bất cập!” đăng ngày 19/07/2021.

Lê Phương (TH)

Bình luận