(TAP) - Phái đoàn gồm doanh nghiệp Hồng Kông sẽ đến thủ đô Hà Nội (Việt Nam) từ ngày 31/7 - 1/8 và tiếp tục ghé thăm TP.HCM từ ngày 1 - 2/8. Mục đích nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa Đặc khu hành chính với Việt Nam, cũng như một số quốc gia khác trong khối ASEAN như Lào, Campuchia.
Theo thông cáo báo chí Chính phủ Hồng Kông (GovHK) đăng tải ngày 26/7 vừa qua (giờ châu Á), phái đoàn Đặc khu hành chính HongKong (Hong Kong Special Administrative Region, viết tắt: HKSAR) sẽ do Tổng Giám đốc điều hành HKSAR - ông John Lee dẫn đầu.
Ngoài 30 doanh nghiệp cao cấp từ nhiều lĩnh vực (công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính, vận tải, hậu cần, đổi mới, du lịch), đoàn còn có sự tham dự của Thứ trưởng Tài chính (Deputy Financial Secretary) Hồng Kông Michael Wong; Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế (Secretary for Commerce and Economic Development) Algernon Yau; Giám đốc Văn phòng Tổng giám đốc điều hành (Director of the Chief Executive's Office) Carol Yip; Ủy viên Vành đai và Con đường (Commissioner for Belt and Road) Nicholas Ho; Tổng giám đốc Xúc tiến đầu tư (Director-General of Investment Promotion) Alpha Lau; Giám đốc Dịch vụ thông tin (Director of Information Services) Apollonia Liu.
Theo lịch trình dự kiến, HKSAR sẽ thăm Lào vào ngày 28 - 29/7; khởi hành đến Campuchia trong sáng ngày 30/7; đến thủ đô Hà Nội (Việt Nam) lúc chiều ngày 31/7, sau đó tiếp tục đến và ở lại TP.HCM từ ngày 1 - 2/8.
Một phái đoàn gồm 30 doanh nghiệp Hồng Kông sẽ đến Việt Nam từ 31/7 - 2/8 (Nguồn: Hong Kong General Chamber of Commerce)
Phái đoàn phía Hồng Kông sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp các quốc gia để giới thiệu những lợi thế độc đáo của Hồng Kông khi được kết nối chặt chẽ với thế giới theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ" ("one country, two systems).
Mô hình “một quốc gia, hai chế độ” nhằm ám chỉ đến hai Đặc khu hành chính là Hồng Kông và Ma Cao (Macau) ở Trung Quốc. Trong quá khứ, Hồng Kông từng là thuộc địa của Vương quốc Anh, trong khi Ma Cao là một phần lãnh thổ thuộc địa Bồ Đào Nha. Sau khi được trao trả, Bắc Kinh đồng ý duy trì sự thịnh vượng, ổn định lâu dài của hai vùng lãnh thổ này, cho phép giữ nguyên chế độ tư bản chủ nghĩa vốn có, đồng thời vẫn cho phép cả hai được hưởng quyền tự trị.
Cũng trong hoạt động ngoại giao lần này, phái đoàn HKSAR sẽ đến thăm các doanh nghiệp địa phương và các dự án cơ sở hạ tầng lớn để tìm hiểu các cơ hội hợp tác.
Tổng Giám đốc điều hành HKSAR - ông John Lee (Nguồn: Hong Kong Trade Development Council)
Tiết lộ từ truyền thông Việt Nam, Giám đốc HKSAR cùng đoàn sẽ dùng bữa trưa tại Khách sạn Park Hyatt Saigon ở TP.HCM vào ngày 2/8.
Theo truyền thông quốc tế, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Chủ tịch Phòng Thương mại Hồng Kông (Hong Kong General Chamber of Commerce) - ông Agnes Chan Sui-kuen cho biết, ba quốc gia thuộc khối ASEAN mà đoàn đại biểu đến thăm đều có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng suốt thời gian qua. Đặc biệt, Việt Nam và Campuchia đã thiết lập được nền tảng nhất định trong các dịch vụ chuyên nghiệp sau cải cách kinh tế.
Ông gnes Chan Sui-kuen đánh giá, đổi mới công nghệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về đào tạo chuyên môn cho người lao động.
Đại diện Phòng Thương mại Hồng Kông đánh giá đổi mới công nghệ đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam (Nguồn: Hong Kong General Chamber of Commerce)
Bên cạnh đó, người đứng đầu Phòng Thương mại Hồng Kông tiết lộ, đặc khu hành chính này có thể hỗ trợ các doanh nghiệp lớn phía Việt Nam lên sàn niêm yết. Trong khi với Campuchia và Lào, Hồng Kông chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp địa phương thu hút đầu tư hoặc hỗ trợ chuyển đổi và nâng cấp để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Kane Nguyen
Bình luận