(TAP) - Theo Bộ Công Thương Việt Nam, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã và đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam mà chưa thực hiện đăng ký theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Điều này đặt ra nhiều lo ngại cho cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
Vào ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý đối với lĩnh vực thương mại điện tử. Trong văn bản nêu rõ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đang thu hút sự quan tâm lớn từ phía người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Sức hấp dẫn của các nền tảng đến từ việc cung cấp hàng hóa với mức giá rẻ, cạnh tranh mạnh mẽ. Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận thấy các nền tảng này vẫn chưa thực hiện đăng ký hoạt động kinh doanh theo quy định tại Việt Nam.
Ảnh minh họa
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương Việt Nam yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng cần cẩn trọng khi giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Khuyến cáo người dân chỉ nên mua sắm tại những nền tảng được đăng ký và xác nhận tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ. Ngoài ra, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu, đề nghị nền tảng tuân thủ pháp luật của Việt Nam.
Không dừng lại ở việc cảnh báo, Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan giám sát chặt chẽ các kho hàng, điểm tập kết của các nền tảng thương mại điện tử chưa đăng ký hoạt động. Bộ nhấn mạnh rằng hoạt động giám sát sẽ được thực hiện thường xuyên, nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, Vụ Pháp chế chuẩn bị rà soát các yếu tố pháp lý liên quan đến hoạt động của các nền tảng kinh doanh không phép, đồng thời đề xuất các biện pháp xử lý. Song song đó, giao cho Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại kiểm tra các chương trình khuyến mãi của các nền tảng xuyên biên giới và đưa ra biện pháp kiểm soát hàng hóa nhập khẩu qua các kênh này. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ cũng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử.
Ảnh minh họa
Được biết, Temu hiện là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc phổ biến thứ hai trên thế giới. Ra mắt lần đầu vào tháng 9/2022 tại Hoa Kỳ, Temu nhanh chóng mở rộng sang các thị trường như Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia tại châu Âu cũng như Đông Nam Á. Sự phát triển nhanh chóng của Temu khiến nhiều chính phủ lo ngại. Tại Indonesia, chính phủ đã ban hành lệnh cấm đối với nền tảng này nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Tương tự, chính phủ Thái Lan đang nghiên cứu các biện pháp đánh thuế Temu để ngăn chặn hàng hóa giá rẻ tràn vào thị trường. Bên cạnh đó, tại Hoa Kỳ, chính phủ bày tỏ lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng và nguồn gốc sản phẩm của Temu, dù chưa có lệnh cấm chính thức nào được ban hành.
Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý và thị trường nội địa. Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát tình hình, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử trong nước. Việc người tiêu dùng nâng cao nhận thức và cẩn trọng trong các giao dịch trực tuyến cũng là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo an toàn và minh bạch trong môi trường thương mại điện tử ngày càng phát triển.
Viet Anh
Bình luận