Gần đây, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, đại diện cơ quan đối ngoại Việt Nam đã bày tỏ quan điểm về một số vấn đề quan trọng suốt thời gian qua. Bao gồm: Việc một số nước liên tục có hoạt động diễn tập ở Biển Đông và cơ chế rà soát đánh giá định kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Việt Nam) đăng tải ngày 11/4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết, Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng đối với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới nói chung. Đồng thời, là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm chung của tất cả quốc gia.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng không - hàng hải nơi đây cần đảm bảo phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của LHQ về Luật biển (United Nations Convention on the Law of the Sea) năm 1982.
Trên cơ sở đó, liên quan đến động thái một số nước liên tục diễn tập ở Biển Đông suốt thời gian qua, phía Việt Nam đề nghị các bên liên quan phải tuân thủ các quy định quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, đồng thời đóng góp tích cực vào việc đảm bảo thực hiện mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định khu vực.
Ông Đoàn Khắc Việt - Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam)
Ngoài ra, phản hồi trước truyền thông về Cơ chế rà soát phổ quát định kỳ (Universal Periodic Review, viết tắt: UPR) chu kỳ lần thứ 4 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, báo cáo về cơ chế UPR của LHQ có nhiều nội dung chưa đúng sự thật, không được kiểm chứng, nhiều đánh giá không khách quan, thiếu cân bằng, thiếu minh bạch và chưa phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình, nỗ lực, thành tựu, thực tiễn diễn ra trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.
Trong khi đó, suốt thời gian qua, quá trình xây dựng báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV luôn được chính quyền Hà Nội tiến hành nghiêm túc, toàn diện và có sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm cả cơ quan đại diện của Liên Hợp Quốc trên lãnh thổ đất nước “hình chữ S”.
Phía Việt Nam mong rằng, hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và các cơ quan phát triển của LHQ tại Việt Nam cần được triển khai phù hợp với chức năng nhiệm vụ của những cơ quan liên quan, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, đáp ứng nhu cầu ưu tiên, thiện chí hợp tác giữa các bên.
Nicolas Thuy
Bình luận