Việt Nam đối mặt mức sinh thấp, già hóa dân số
Đời sống

Việt Nam đối mặt mức sinh thấp, già hóa dân số

(TAP) - Năm 2023, Việt Nam ghi nhận mức sinh đạt 1,96 con/phụ nữ – con số thấp nhất trong lịch sử đất nước. Theo dự báo, xu hướng giảm sinh sẽ tiếp tục ở những năm tới, đặt ra thách thức lớn đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước. 

Đây là một trong những vấn đề nổi bật được thảo luận tại Lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12, diễn ra ngày 10/12 tại Hà Nội. Được biết, Việt Nam đang đối mặt sự suy giảm đáng báo động về mức sinh. Tổng tỷ suất sinh (TFR) năm 2023 đạt 1,96 con/phụ nữ, không chỉ thấp hơn mức sinh thay thế mà còn là mức thấp nhất lịch sử dân số quốc gia. Xu hướng này có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ cấu dân số, khả năng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Việt Nam đối mặt mức sinh thấp, già hóa dân số 

Nguồn: Cổng thông tin Cục dân số Bộ Y tế Việt Nam

Song song đó, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Năm 2023, tỷ lệ giới tính khi sinh đạt 112 bé trai/100 bé gái, cao hơn nhiều so với mức tự nhiên. Sự chênh lệch có thể dẫn đến những hệ lụy xã hội phức tạp như gia tăng bất bình đẳng giới, khó khăn về hôn nhân. Đáng chú ý, Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa từ năm 2011 và đang trải qua quá trình này với tốc độ nhanh chóng. Dự báo, quốc gia sẽ chính thức trở thành nước có dân số già vào năm 2036, tiến tới xã hội siêu già vào năm 2049. Già hóa dân số đòi hỏi những chính sách hỗ trợ cụ thể, từ việc tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia lao động đến cải thiện hệ thống an sinh xã hội.

Hơn nữa, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết và mang thai ở người chưa thành niên còn phổ biến tại một số khu vực, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số. Đồng thời, sự phân bổ nguồn lực cho công tác dân số chưa đồng đều giữa các tỉnh thành cũng là một hạn chế cần được khắc phục.

 Việt Nam đối mặt mức sinh thấp, già hóa dân số

Ảnh minh họa

Dù đối mặt nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực y tế. Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm 46 phần nghìn xuyên suốt 20 năm qua, vượt xa chỉ tiêu toàn cầu 34 phần nghìn. Hơn 60% phụ nữ ở độ tuổi 15 - 49 sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, góp phần đáng kể vào việc cải thiện sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, sự bất bình đẳng y tế còn hiện hữu. Tỷ lệ tử vong mẹ ở các khu vực dân tộc thiểu số cao gấp 3 - 4 lần so với trung bình cả nước. Gần 63% phụ nữ từng trải qua bạo lực gia đình, 40% thanh niên chưa kết hôn có nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng. Những thách thức này đòi hỏi sự can thiệp mạnh mẽ, hiệu quả hơn từ chính phủ và các tổ chức xã hội.

Sự chuẩn bị kịp thời, những hành động quyết liệt sẽ là yếu tố quyết định giúp Việt Nam vượt qua các thách thức về dân số, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Với những chính sách đúng đắn, sự chung tay của toàn xã hội, Việt Nam hoàn toàn có thể tiến tới một tương lai bền vững, thịnh vượng.

Trang Thanh

Bình luận