Việt Nam chiết xuất hoạt chất chống loãng xương từ cây rừng
Tin Việt Nam

Việt Nam chiết xuất hoạt chất chống loãng xương từ cây rừng

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội vừa công bố nghiên cứu thành công các hoạt chất chống loãng xương từ cây bướm bạc và cây vót màu vàng nhạt.

Theo báo VNExpress (Việt Nam) đưa tin, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) làm chủ nhiệm đã nghiên cứu thành công từ cây bướm bạc, cây vót màu vàng nhạt chứa các hoạt chất có tác dụng chống loãng xương.

Việt Nam chiết xuất hoạt chất chống loãng xương từ cây rừng

Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội

Chủ nhiệm Nguyễn Hải Đăng cho biết, đề tài được nghiên cứu từ năm 2017, nhóm tìm kiếm nguồn thực vật phía Bắc Việt Nam chứa hoạt chất tác dụng chống loãng xương. Quá trình tìm kiếm thu về 235 mẫu thực vật bao gồm 74 mẫu tác dụng ức chế đến tế bào hủy xương. Trong 74 mẫu đó, nhóm lấy 3 loài để nghiên cứu chuyên sâu là: bướm bạc (Mussaenda pubescens), vót vàng nhạt (Viburnum lutescens) và đinh lăng (Polyscias fruticosa), từ đây phân ra được 41 hợp chất tác dụng lên tế bào hủy xương, gây ức chế sự hình thành này.

Việt Nam chiết xuất hoạt chất chống loãng xương từ cây rừng

Cây bướm bạc dùng trong thí nghiệm

Sau khi lựa chọn kỹ, nhóm nghiên cứu chỉ chọn hai hợp chất 2-oxo-3β,23-dihydroxyolean-12-en-28-oic acid (một chất mới từ cây vót màu vàng nhạt) và musaendoside O (từ loài bướm bạc) đạt khả năng chống loãng xương cao. Hai mẫu này cho ra kết quả tốt trên mẫu tế bào và chuột, kết quả thử nghiệm được công bố trên tạp chí chuyên ngành quốc tế.

Việt Nam chiết xuất hoạt chất chống loãng xương từ cây rừng

Cây vót vàng nhạt sử dụng trong thí nghiệm

Được biết, sau hơn 3 năm nghiên cứu để gặt hái được kết quả như hiện nay, khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải là biệt hóa tế bào tủy xương từ tế bào RAW264.7 (một thí nghiệm cần thực hiện liên tục và yêu cầu cao về mặt kỹ thuật). Bên cạnh đó, đề tài bị ảnh hưởng bởi giãn cách do Covid-19 nên nhiều tế bào không thể duy trì lâu dài hoặc có thể bị mất nên phải nuôi lại, tốn nhiều thời gian.

Đề tài chiết xuất hoạt chất từ thực vật để chống loãng xương của nhóm nghiên cứu trường USTH bước đầu đã thu được thành quả nhất định. Đây là tiền đề để nhóm tiếp tục tìm các hoạt chất mang dược tính cao hơn nhằm hỗ trợ chống viêm, chống loãng xương và chống ung thư.

Nguyên Nguyên

Bình luận