Trung Quốc cáo buộc EU không công bằng với các công ty Bắc Kinh
Tin Quốc Tế

Trung Quốc cáo buộc EU không công bằng với các công ty Bắc Kinh

(TAP) - Trung Quốc kết luận, các cuộc điều tra gần đây của Liên minh châu Âu (EU) đối với các doanh nghiệp nước này liên quan đến trợ cấp nước ngoài là không công bằng, thiếu minh bạch. Mặc dù vậy, Bắc Kinh nói rào cản thương mại và đầu tư từ EU chưa diễn ra ngay lập tức vì hai bên vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Trang thông tin về biện pháp khắc phục thương mại (China Trade Remedies Information) thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc (Ministry of Commerce of the Republic of China) ngày 10/1 kết luận, các cuộc điều tra gần đây của EU đối với doanh nghiệp Bắc Kinh theo “Quy định về trợ cấp nước ngoài” (Foreign Subsidies Regulation, viết tắt: FSR) là không công bằng, thiếu minh bạch. Như TAP News từng thông tin, vào năm 2024, Ủy ban châu Âu (European Commission, viết tắt: EC) đã mở cuộc điều tra xác định, liệu trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc có làm suy yếu sự cạnh tranh ở thị trường châu Âu hay không. Động thái này sau đó đã thúc đẩy chính quyền đất nước tỷ dân tiến hành cuộc điều tra riêng để đáp trả. Ghi nhận hai cường quốc kinh tế này bất hòa chủ yếu do lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện.

Trung Quốc cáo buộc EU không công bằng với các công ty Bắc Kinh

Bộ Thương mại Trung Quốc cáo buộc EU không công bằng với các công ty nước này (Nguồn: Ministry of Commerce of the Republic of China)

Định nghĩa từ EC, FSR của EU có hiệu lực vào tháng 7/2023. Đây là quy định trao cho Ủy ban quyền hạn rộng hơn để giải quyết bất kỳ khoản trợ cấp nào do các quốc gia ngoài EU cung cấp ảnh hưởng đến thị trường nội bộ châu Âu. Quay lại thông báo mới đây, Bộ Thương mại Trung Quốc cáo buộc EU áp đặt FSR một cách “mơ hồ” (vague) để điều tra trợ cấp nước ngoài, tạo “gánh nặng lớn” (heavy burden) lên các thực thể bị nhắm đến, đồng thời có thủ tục không rõ ràng, gây ra rào cản thương mại và đầu tư không công bằng với các công ty Bắc Kinh, DW News (Cộng Hòa Liên Bang Đức) thông tin. Báo cáo cũng phê phán FSR phân loại nhầm những hoạt động thông thường, chẳng hạn như hoàn thuế VAT (Thuế giá trị gia tăng/Value-Added Tax) thành trợ cấp chính phủ.

Đáp lại thông báo trên, Yahoo News dẫn lời phát ngôn viên về cạnh tranh của EU - bà Lea Zuber bác bỏ quan điểm cho rằng FSR “mơ hồ”. Đại diện EU cho biết, tất cả các công ty bất kể quốc gia có trụ sở hay quốc tịch nào đều phải tuân thủ quy định như nhau. Trong khi đó, người phát ngôn về thương mại của EU - ông Olof Gill khẳng định, FSR được thiết kế để đảm bảo cạnh tranh công bằng, mang lại sân chơi bình đẳng giữa các công ty và quốc gia thành viên trong EU, bằng cách cho phép Ủy ban giải quyết những tác động do trợ cấp từ các chính phủ ngoài EU gây ra.

Hiện, vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có thực hiện bất kỳ biện pháp trả đũa nào sau khi đưa ra kết luận hay không, tờ South China Morning Post nhận định. Thay vào đó, tờ báo này dẫn phát biểu của người phát ngôn của Bộ Thương mại trong cuộc họp báo cùng ngày (10/1) cho biết, chính quyền đất nước tỷ dân yêu cầu EU điều chỉnh hoặc sửa đổi các hoạt động thương mại thông qua tham vấn song phương để cung cấp môi trường cởi mở, công bằng, bình đẳng, không phân biệt đối xử và có thể dự đoán được cho các doanh nghiệp Bắc Kinh đầu tư và hoạt động tại châu Âu.

Long Yuan

Bình luận