(TAP) - Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, triển lãm “Hiệp định Giơ – ne – vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam – Mốc son lịch sử của Ngoại giao cách mạng Việt Nam” được khai mạc sáng ngày 15/07 tại Hà Nội.
Buổi lễ do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Khách mời tham dự có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành; Lãnh đạo ngành Ngoại giao qua các thời kỳ; các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện các nước, các tổ chức quốc tế; đại diện gia đình thành viên đoàn đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Trong vòng 6 tháng đầu năm đã diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Giơ – ne – vơ mang ý nghĩa sâu sắc. Tiểu biểu là triển lãm với chủ đề “Hiệp định Giơ – ne -vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam – Mốc son lịch sử của Ngoại giao cách mạng Việt Nam”. Tại đây có khoảng 120 ảnh, tài liệu và hiện vật, tái hiện quá trình đàm phán, ký kết và thực thi hiệp định. Ngoài ra Bộ Ngoại giao giới thiệu cuốn sách ảnh “Hiệp định Giơ – ne – vơ 1954 – Dấu mốc lịch sử của cách mạng Việt Nam” tập hợp 250 bức ảnh và tư liệu sưu tầm từ nguồn lưu trữ của nhiều cơ quan, tổ chức, các nhân trong nước và ngoài nước.
Qua đó, đông đảo công chúng các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu đầy đủ, sâu sắc, cảm nhận trực quan sinh động ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Triển lãm lan tỏa sâu rộng truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân sâu sắc và biết ơn vô hạn của thế hệ hôm nay đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ đi trước. Buổi triển lãm là minh chứng khẳng định Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trân trọng hòa bình, đề cao và tôn trọng nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại lễ Khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, ông Bùi Thanh Sơn cho biết hiệp định Giơ – ne – vơ cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ tạo nguồn cảm hứng, cổ vũ to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc khắp năm châu. Đây là lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được khẳng định trong điều ước quốc tế. Điều này được các nước, các bên tham dự Hội nghị thừa nhận và tôn trọng. Đồng thời, thắng lợi này mở ra cục diện chiến lược để Việt Nam hoàn thành mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hứa hẹn tiếp tục phát huy truyền thống lịch dân tộc, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh và các bài học Hiệp định Giơ-ne-vơ còn nguyên giá trị. Ngành Ngoại giao phát huy vai trò tiên phong giữ vững môi trường hòa bình, tạo thuận lợi để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Minh Minh
Bình luận