(TAP) - Trong vòng chưa đến một tuần, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều nhà ngoại giao, người đứng đầu các quốc gia hàng đầu, bao gồm Hoa Kỳ và Liên bang Nga. Chưa dừng lại ở đó, vào ngày 24/6 (giờ châu Á), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính cũng đã có chuyến đi và làm việc tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Như TAP News thông tin, từ ngày 19 - 20/6 vừa qua, đoàn ngoại giao phía Moscow do Tổng thống Nga Vladimir Putin dẫn đầu đã có chuyến đi đến Hà Nội và cùng các bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng. Theo đó, Nga - Việt Nam sẽ cùng nhau hợp tác hơn nữa trên nhiều phương diện, bao gồm: Ngoại giao, Kinh tế, Quốc phòng - an ninh, Giao lưu nhân dân và các lĩnh vực khác,…
Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam)
Ngay khi phái đoàn ngoại giao Nga kết thúc chuyến công du, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương (gọi tắt Trợ lý Ngoại trưởng) Daniel J. Kritenbrink cũng đã có mặt tại Việt Nam trong chuyến đi kéo dài hai ngày (21 - 22/6).
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Việt Nam), trong buổi làm việc cùng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel J. Kritenbrink đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương và khu vực. Đồng thời, nhấn mạnh Washington, D.C. coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Hoa Kỳ cũng như quan hệ đối tác với các nước khu vực sông Mekong.
Đôi bên cũng cùng nhau trao đổi nhiều biện pháp để triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đôi tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới. Trong đó, có nhất trí việc tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao, tạo đà phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư, khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó với biến đổi khí hậu…, cũng như thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mới như: Năng lượng sạch, cung ứng bán dẫn, đổi mới sáng tạo,…
Một số nội dung quan trọng khác được đại diện phía quyền Washington, D.C. và Hà Nội thảo luận bao gồm: Các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế; tình hình Biển Đông,…
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam)
Không chỉ là điểm đến của nhiều quốc gia hàng đầu, nguồn tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Việt Nam) ngày 24/6 cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã đến tỉnh Liêu Ninh, tham gia Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum, viết tắt: WEF) 2024. Hoạt động ngoại giao diễn ra theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Chủ tịch WEF - ông Klaus Schwab.
Sau khi tiếp Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có chuyến đi đến Trung quốc tham dự WEF 2024
Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 25-27/6 với sự tham gia của 1.600 đại biểu. Trong chuyến công tác lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phái đoàn Việt Nam dự kiến có nhiều hoạt động song phương với Bắc Kinh nhằm triển khai hiệu quả tuyên bố chung đạt được trong các chuyến thăm của Tổng Bí thư hai nước thời gian qua.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác kinh tế biên giới, kết nối tuyến đường sắt qua biên giới Trung Quốc. Đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch, thu hút đầu tư và tăng cường hợp tác du lịch bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với chính quyền Bắc Kinh.
Shien Long
Bình luận