Thăm xứ Tây Đô miệt vườn sông nước
Văn hóa

Thăm xứ Tây Đô miệt vườn sông nước

Cần Thơ được mệnh danh là vùng đất “gạo trắng, nước trong”, bốn mùa cây trái sum suê, từ lâu đã trở thành điểm đến du lịch thu hút nhiều khách tham quan.

Là thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm cạnh con sông Hậu phù sa, đất đai màu mỡ, tài nguyên trù phú, Cần Thơ được người dân ưu ái gọi bằng cái tên đầy thân mật - “Tây Đô” (thủ đô miền Tây sông nước). Nơi đây hội tụ nhiều tiềm năng phát triển, từ kinh tế - xã hội, văn hóa đến hoạt động du lịch. Trong đó, với hệ thống sông ngòi dày đặc, Cần Thơ hình thành nên địa hình vô cùng độc đáo như: Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn, Cù lao Tân Lộc. Khách du lịch khi tới tham quan sẽ được tận hưởng bầu không khí bình yên, khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và sự bình dị của người dân địa phương. Những con kênh nhỏ uốn quanh những vườn cây trĩu quả, bên mâm cơm dân dã, lắng nghe một câu hò Sông Hậu ngọt ngào sẽ là trải nghiệm vô cùng đặc biệt với du khách.

Thăm xứ Tây Đô miệt vườn sông nước

Du lịch sinh thái là một trải nghiệm thú vị khi đến thăm Cần Thơ. Ảnh sưu tầm

Bên cạnh đó, văn hóa sông nước được xem là một nét độc đáo của Cần Thơ. Nổi tiếng xa gần, chợ nổi Cái Răng (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) trở thành địa điểm du lịch tiêu biểu, thu hút lượng lớn khách tham quan. Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thăm xứ Tây Đô miệt vườn sông nước

Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ là điểm đến du lịch lý tưởng. Ảnh sưu tầm

Ngoài ra, vùng đất này còn đa dạng sắc màu văn hóa đến từ nhiều dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm,… sinh sống trên địa bàn. Mỗi dân tộc cùng với phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng khác nhau hình thành nên những lễ hội, làng nghề, ẩm thực truyền thống,… chứa đựng đặc trưng văn hóa tuy riêng biệt nhưng vẫn hài hòa. Có thể kể đến các lễ hội như: Lễ cúng Chùa Ông, lễ cúng đình Bình Thủy, lễ hội Ok Om Bok, lễ vía Bà Thiên Hậu,… Các món ăn đậm đà hương vị miền Tây gồm: bánh xèo Mười Xiềm, bánh tét lá cẩm, bánh hỏi mặt võng,…

Thăm xứ Tây Đô miệt vườn sông nước

Bánh tét lá cẩm - món ăn truyền thống người dân Cần Thơ. Ảnh sưu tầm

Đặc biệt, Cần Thơ cũng từng một thời vang danh sử sách trong trận chiến chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Đến nay, nhiều chiến tích lịch sử vẫn được gìn giữ và lưu truyền như một niềm tự hào, kính trọng dành cho thế hệ cha ông như: di tích Lộ Vòng Cung, khu di tích chiến thắng Ông Hào, mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị,…

Thăm xứ Tây Đô miệt vườn sông nước

Cầu đi bộ bến Ninh Kiều lung linh ánh đèn khi về đêm. Ảnh sưu tầm

Năm 2004, Cần Thơ nâng cấp trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, lúc này các cấp chính quyền đã cho đầu tư và xây dựng nhiều công trình quan trọng như: sân bay Quốc tế Cần Thơ, cầu đi bộ bến Ninh Kiều, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cầu Cần Thơ,… không chỉ để phát triển kinh tế mà còn giúp thúc đẩy mở rộng hoạt động du lịch.

Thăm xứ Tây Đô miệt vườn sông nước

Kết hợp cùng du lịch, những sản phẩm OCOP được trưng bày quảng bá đến mọi người

Hiện tại, Cần Thơ đang tập trung khai thác, phát triển hiệu quả mô du lịch sinh thái kết hợp cùng làng nghề truyền thống và sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP). Theo đó, từ năm 2018 Cần Thơ bắt đầu triển khai Chương trình OCOP, sau 03 năm thực hiện thu về 25 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 16 sản phẩm 3 sao OCOP. Những sản phẩm như: mắm cá tra, cá khô, rượu mận, gạo tím, hủ tiếu, trà mãng cầu, bánh tráng, bánh khéo và bánh đậu xanh,… khi đạt chứng nhận OCOP đều mang đặc trưng tiêu biểu của xứ Tây Đô, góp phần quảng bá nhiều địa danh tại Cần Thơ đến với mọi người. Các địa điểm du lịch: Chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều, vườn trái cây Phong Điền, vườn cò Bằng Lăng, khu du lịch Hoa Sứ, làng du lịch Mỹ Khánh,... trở thành điểm đến hấp dẫn, nhất là dịp lễ Tết.

Với những điểm đến độc đáo, các khu du lịch sinh thái yên bình, di tích văn hóa ấn tượng, du lịch Cần Thơ đang ngày càng phát triển. Không chỉ thu hút khách du lịch mà Cần Thơ còn kết nối nhiều nguồn tài nguyên đầu tư dồi dào từ khắp nơi, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Lan Chi

Bình luận