Sau ngày 6/9, người dân có phải thay đổi giấy đi đường hay không?
Tin Việt Nam

Sau ngày 6/9, người dân có phải thay đổi giấy đi đường hay không?

Tùy thuộc vào quyết định giãn cách xã hội của UBND TP.HCM, sau ngày 6-9, nếu TP.HCM kéo dài thời gian giãn cách, Công an TP.HCM sẽ có phương án về giấy đi đường gọn nhất, thuận tiện nhất, không gây phiền hà cho người dân.

Chiều 2/9, tại cuộc họp báo định kỳ thông tin về phòng, chống dịch tại TP.HCM, thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM - cho biết sau 11 ngày Thành phố thực hiện siết chặt giãn cách xã hội, người dân “ai ở đâu ở yên đó”. Trong đó, chỉ những người có giấy đi đường do Công an TP.HCM cấp mới có thể ra ngoài. Tuy nhiên, giấy đi đường hiện tại có giá trị đến ngày 6/9/2021 khiến nhiều người không khỏi lo ngại.

 

Sau ngày 6/9, người dân có phải thay đổi giấy đi đường hay không?

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân. (Ảnh: BLĐ)

 

Theo Báo Phụ nữ TP.HCM đưa tin, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết giá trị của giấy đi đường do Công an TP.HCM cấp còn tùy thuộc vào quyết định giãn cách xã hội của Thành phố sau ngày 6/9. Trong trường hợp tiếp tục giãn cách thì công an sẽ có biện pháp để không làm phiền người dân. "Nếu không giãn cách nữa thì giấy đi đường này có khi không cần. Nhưng nếu Thành phố tiếp tục giãn cách thì Công an TPHCM sẽ có phương án thuận tiện nhất, không làm phiền hà người dân trong việc thay đổi" - Thượng tá Hà cho biết thêm.

Báo Pháp luật TP.HCM cho hay, đối với phản ánh của báo chí về việc lưu lượng phương tiện trên đường có dấu hiệu tăng, ông Lê Mạnh Hà khẳng định không ùn tắc, khó có nguy cơ lây lan dịch bệnh. “Điều quan trọng trong thời điểm này là đảm bảo giãn cách người với người, nhà với nhà” – ông Hà nói. Về vấn đề mật độ xe lưu thông trên đường trong những ngày siết giãn cách, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết thống kê từ 25-8 đến nay phương tiện lưu thông trên đường giảm trung bình từ 83-85% so với trước dịch.

Riêng trong ngày 1-9, các loại xe trên đường, gồm: 11% là xe máy; 25% là xe từ 4 chỗ đến 9 chỗ; 4,9% là xe 16 chỗ; 58,5% là xe tải; còn lại là xe trên 35 chỗ và xe tải nặng. Ông An cho biết đây là những phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch và phục vụ lưu thông hàng hóa.

Nhất Minh (TH)

Bình luận