(TAP) - Malaysia sẽ thay thế Lào trở thành tân Chủ tịch ASEAN vào năm 2025. Được đánh giá là quốc gia năng động trong các hoạt động ngoại giao, chuyên gia kỳ vọng quốc gia Đông Nam Á này sẽ thúc đẩy ASEAN giải quyết nội chiến Myanmar và vấn đề Biển Đông.
Theo cơ quan thông tấn của Chính phủ Malaysia (Bernama), người đứng đầu quốc gia này - Thủ tướng Anwar Ibrahim đã nêu bật một số thông điệp ngoại giao tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN (ASEAN Summits) lần thứ 44 và 45, diễn ra ở thủ đô Viêng Chăn (Lào) vào tháng 10. Trong bối cảnh chính quyền Kuala Lumpur sẽ thay thế Lào trở thành Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations, viết tắt: ASEAN) năm sau, tuyên bố đoàn kết giữa các thành viên cùng tiến về phía trước của ông Anwar Ibrahim nhận được nhiều chú ý từ giới quan sát địa chính trị khu vực.
Truyền thông nước này (tờ The Star) nhận định, có hai vấn đề đang là “điểm nóng” của khu vực Đông Nam Á, chưa được các nước chủ tịch trước đây (Campuchia, Indonesia và Lào) giải quyết triệt để, bao gồm: Nội chiến căng thẳng ở Myanmar và tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Tình trạng bất ổn chính trị ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự tháng 2/2021 có khả năng gây khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, trong khi Biển Đông - nơi sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, vẫn đang bị tranh chấp bởi Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam.
Nội chiến căng thẳng ở Myanmar và tranh chấp Biển Đông là hai vấn đề nóng ở Đông Nam Á (Nguồn: ASEAN Main Portal)
The Star dẫn lời chuyên gia về vấn đề khu vực và toàn cầu thuộc Đại học Malaya (Malaya University) - Tiến sĩ Datuk Ilango Karuppanna cho biết, cần có chiến lược thống nhất để giải quyết phức tạp ở Biển Đông và Myanmar. Ông Datuk Ilango Karuppanna nói rằng, lập trường Malaysia là ủng hộ và nghiêng về ASEAN, bao gồm vấn đề quốc tế như Biển Đông. Các quốc gia thành viên ASEAN, đặc biệt là 04 nước Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam cần đạt được lập trường chung trước khi đàm phán với Bắc Kinh. Trang Bernama (Malaysia) dẫn lời Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Indonesia - ông Gurjit Singh cho biết, Malaysia, Indonesia và Singapore có quan điểm khác nhau về Biển Đông, trong khi Campuchia, Lào, Việt Nam có quan điểm riêng trong việc hợp tác với Myanmar. Nhà ngoại giao phía New Delhi quan ngại, ASEAN sẽ thể chậm trễ trong việc thông nhất Bộ quy tắc ứng xử chung.
Vào tháng 1 năm sau, chính sách đối ngoại của Tổng thống Hoa Kỳ vừa đắc cử - ông Donald Trump được giới quan sát đánh giá sẽ tác động nhất định đến thương mại và an ninh toàn cầu khu vực, trong đó có định hướng tương lai ASEAN. Ngoài ra, cuộc chiến ở Dải Gaza chưa được giải quyết, xung đột quanh Bán đảo Triều Tiên, căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, cuộc xung đột kéo dài giữa Ukraine - Nga,... đều gây ra sự lo lắng trong khu vực, đặt Chủ tịch ASEAN - Malaysia vào tình thế cần nhanh chóng nghĩ ra biện pháp ứng phó.
Với vai trò tân Chủ tịch ASEAN vào năm 2025, Malaysia được kỳ vọng thúc đẩy giải quyết các vấn đề của khu vực (Nguồn: ASEAN Main Portal)
Kelvin huynh
Bình luận