Việt Nam đặt mục tiêu đạt top 3 ASEAN về cạnh tranh công nghiệp
Tin Việt Nam

Việt Nam đặt mục tiêu đạt top 3 ASEAN về cạnh tranh công nghiệp

(TAP) - Bộ Công Thương Việt Nam vừa đề ra mục tiêu đến năm 2030 nước này sẽ lọt top 3 ASEAN về cạnh tranh công nghiệp, với tỷ trọng ngành đạt trên 40% GDP. Trong đó, riêng ngành sản xuất và chế biến ở nước chiếm khoảng 30% GDP quốc nội.

Ngày 28/10 vừa qua, Bộ Công thương (Ministry of Industry and Trade) Việt Nam vừa ban hành quyết định hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ nước này về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện địa hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo chương trình này, cơ quan phát triển thương mại phía chính quyền Hà Nội đặt mục tiêu lọt top 3 nước dẫn đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (tiếng Anh: Association of Southeast Asian Nations, viết tắt: ASEAN) về năng lực cạnh tranh công nghiệp. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp trên Tổng sản phẩm nội địa (Gross domestic product, viết tắt: GDP) phải vượt 40%. Riêng ngành sản xuất và chế biến chiếm khoảng 30% GDP.

Thông tin từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Vietnam Chamber of Commerce and Industry, viết tắt: VCCI), đến năm 2030, nước này cũng hướng đến đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD; Tổng thu nhập quốc gia (Gross National Income) bình quân đầu người trên 7.000 USD. Đồng thời, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity) - được đo bằng tỷ số giữa tổng sản lượng và các yếu tố đầu vào tổng hợp, ở mức trên 50% và chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) thuộc nhóm 40 nước hàng đầu thế giới.

Việt Nam đặt mục tiêu đạt top 3 ASEAN về cạnh tranh công nghiệp

Việt Nam đề ra mục tiêu lọt vào top 3 ASEAN về cạnh tranh công nghiệp (Nguồn: Ministry of Industry and Trade)

Cũng theo VCCI, Việt Nam đề ra mục tiêu đạt 45% tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong ngành chế biến, chế tạo;  trên 2.000 USD giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%; xây dựng các cụm công nghiệp liên kết ngành, doanh nghiệp công nghiệp nội địa quy mô lớn, đủ năng lực cạnh tranh với nước ngoài.

Theo truyền thông châu Á (Asia News Network) dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê phía chính quyền Hà Nội (General Statistics Office of Vietnam, viết tắt: CSO) cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (Index of industrial production, viết tắt IIP) của nước này tăng 8,6% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2024. Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này được thúc đẩy bởi ngành chế biến, chế tạo (tăng 9,8%); sản xuất và phân phối điện (tăng 11,1%) và cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải (tăng 9,9%).

CSO cho biết thêm, một số ngành công nghiệp chủ chốt ở Việt Nam ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 3 Quý đầu năm nay bao gồm: Thép (27%); dầu khí (20%); vải sợi (16%) phân bón hỗn hợp (13%) và sản xuất ô tô (12%). Cũng theo dữ liệu trên, số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp (tính đến ngày 1/9) ở nước này cũng tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đến ngày 30/9, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tăng 5,2% so với tháng 8 và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Danny Tran

Bình luận