Israel bị cáo buộc gây ra tình trạng di dời hàng loạt ở Gaza
Tin Quốc Tế

Israel bị cáo buộc gây ra tình trạng di dời hàng loạt ở Gaza

(TAP) - Theo báo cáo từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Israel bị cáo buộc gây ra tình trạng di dời hàng loạt ở Gaza. Chuyên gia cũng đề nghị Chính phủ các nước nên áp dụng biện pháp trừng phạt và ngừng bán vũ khí cho Israel.

Nhận định trên được trích từ báo cáo “Tội ác chống lại loài người của Israel ở Gaza” (Israel’s Crimes Against Humanity in Gaza) do các chuyên gia thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch, viết tắt: HRW) thực hiện và công bố ngày 14/11. Đây là nghiên cứu mới nhất từ nhóm cứu trợ và tổ chức quốc tế liên quan đến tình hình khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng xảy ra trong cuộc chiến giữa Israel và nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas ở Palestine.

Cũng theo báo cáo của HRW, tình trạng di dời cưỡng bức (tạm hiểu là buộc di dời) diễn ra tràn lan và có bằng chứng cho thấy nó là một phần chính sách của chính quyền Jerusalem (thủ đô Israel) kể từ tháng 10/2023. Chuyên gia nói rằng, không có bất kỳ lý do nào có thể giải thích cho hành động di dời hàng loạt, gần như toàn bộ dân số Gaza của quân đội Israel. HRW khuyến nghị, Chính phủ các nước nên áp dụng biện pháp trừng phạt và ngừng bán vũ khí cho nước này. Bên cạnh đó, tổ chức về nhân quyền cũng đề xuất công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court) nên điều tra việc di dời cưỡng bức ở Dải Gaza cũng như xác định việc ngăn cản quyền hồi hương đối với công dân Palestine là tội ác chống lại loài người.

Israel bị cáo buộc gây ra tình trạng di dời hàng loạt ở Gaza

Israel bị cáo buộc gây ra tình trạng di dời hàng loạt ở Gaza (Nguồn: X “UNICEF@UNICEF”)

Ở chiều hướng ngược lại, trước cáo buộc của tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế, Bộ ngoại giao Israel (Israeli Ministry of Foreign Affairs) và quân đội nước này vẫn chưa đưa ra bình luận. Tuy nhiên, tờ NBC News thông tin cho biết, trước đó, chính quyền Jerusalem đã bác bỏ những cáo buộc tương tự và khẳng định lực lượng của họ hoạt động tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (International Committee of the Red Cross, viết tắt: ICRC), xung đột vũ trang cấm trục xuất hoặc chuyển giao dân thường là quy định có từ Bộ luật Lieber (Lieber Code) - một chỉ thị được Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln ký ngày 24/4/1983. Hành động cưỡng chế di dời dân thường khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng là hành vi bị cấm, trừ khi cần thiết vì lý do an ninh hoặc quân sự cấp bách.

Cũng theo NBC News, chính quyền Jerusalem tấn công Dải Gaza vào tháng 10/2023 sau khi các tay súng do Hamas cầm đầu tấn công các cộng đồng ở miền nam nước này khiến 1.200 người chết, hơn 250 con tin bị bắt. Cơ quan y tế ở Dải Gaza cung cấp số liệu cho biết, chiến dịch trả đũa của Israel đã giết chết hơn 43.500 người, phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng của vùng đất, buộc hầu hết 2,3 triệu dân phải di dời nhiều lần. HRW quan ngại, việc di dời người Palestine của Israel có khả năng sẽ diễn ra vĩnh viễn tại các vùng đệm và hành lang an ninh (khu vực cho phép giám sát các hoạt động quân sự trong khu vực giữa các lực lượng vũ trang) - một hành động bị HRW cho rằng tương đương với thanh trừng sắc tộc. Mặc dù vậy, thông báo trước truyền thông vào ngày 11/11, Bộ trưởng Ngoại giao Israel - ông Gideon Saar trấn an, người dân Palestine phải rời bỏ nhà cửa ở phía bắc Gaza sẽ được phép trở về khi chiến tranh kết thúc.

Huy Niel

 

 

 

 

Bình luận