Các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa thể thống nhất biện pháp ứng phó và giảm thiểu gánh nặng cho những nước đang quá tải trước “làn sóng” di cư từ Trung Đông và Châu Phi.
Vào tháng 6/2023, Hội đồng Tư pháp và Nội vụ (Justice and Home Affairs Council) EU đã dự thảo một hiệp ước mới về di cư và tiếp nhận người tị nạn. Trong đó, luật yêu cầu thành viên EU phải chấp nhận tối đa 30.000 người di cư từ các quốc gia đang phải chịu gánh nặng di cư như Hy Lạp, Italia,… hoặc chi trả khoảng 22.000 EUR/người di cư nếu không tiếp nhận, thông tin từ Politico.
Phần lớn thành viên trong khối Liên minh đều ủng hộ hiệp ước mới. Tuy nhiên, Ba Lan và Hungary đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các quy định này. Thời điểm đó, nhà lãnh đạo của 27 quốc gia trong khối đã phải tổ chức cuộc họp thảo luận nhưng nhưng không đạt được bất kỳ tiến triển nào. Đến hội nghị thượng đỉnh EU ở Granada (Tây Ban Nha) vào ngày 5/10 vừa qua, Ba Lan - Hungary tiếp tục bày tỏ quan điểm bất đồng về hiệp ước mới.
Cụ thể, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phản đối luật được đề xuất bởi Hội đồng và cáo buộc rằng Brussels (Bỉ) đang áp đặt “lệnh” đối với các quốc gia thành viên khác trong Liên minh (ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng Châu Âu là người Bỉ). Người đứng đầu quốc gia châu Âu này cũng nhắc lại cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015, khi hơn 1 triệu người di cư đến EU từ Syria và nhiều nước bất ổn chính trị khác. Mateusz Morawiecki cho rằng, Hội đồng châu Âu đang ép quốc gia ông phải đứng giữa chọn lựa chấp nhận người di cư bất hợp pháp hoặc khoản phạt, theo Reuters.
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán bày tỏ thái độ phản đối gay gắt trước luật di cư của Liên minh (Nguồn: The The Guardian)
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán thậm chí còn nhấn mạnh, hiệp ước mới không có sự ủng hộ của Hungary chẳng khác nào một cuộc “tấn công” nhằm vào đất nước ông. Ông tuyên bố rằng luật cần phải được thống nhất đồng bộ thay vì chỉ cần đa số ủng hộ để thông qua, The Guardian thông tin.
Để ngăn chặn cuộc tranh cãi có khả năng ảnh hưởng đến các thỏa thuận khác, lãnh đạo Liên minh đã quyết định loại bỏ một số nội dung cam kết chung của khối về vấn đề di cư khỏi văn bản thông cáo cuối cùng tại cuộc họp thượng đỉnh. Thay vào đó, Hội đồng đã chuyển nội dung sang chiến lược phát triển tổng thể EU những năm tới.
Mặc dù xích mích đã tạm lắng nhưng nội dung liên quan đến luật di cư sẽ tiếp tục được thảo luận ở chương trình nghị sự nửa cuối tháng 10/2023. Đó sẽ là thời điểm buộc 27 nhà lãnh đạo phải tổ chức cuộc họp chính thức để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định, căng thẳng giữa EU với Ba Lan có thể đã giảm ít nhiều đi khi quốc gia này đang phải tập trung cho cuộc tổng tuyển cử (15/10).
Kelvin Huynh
Bình luận