Hoa Kỳ: Phản ứng trái chiều xoay quanh vấn đề trục xuất dân nhập cư Haiti
Tin Quốc Tế

Hoa Kỳ: Phản ứng trái chiều xoay quanh vấn đề trục xuất dân nhập cư Haiti

Thời gian qua, nhằm tăng cường thắt chặt an ninh biên giới, Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều chiến dịch trục người Haiti nhập cư trái phép. Trước bối cảnh đó, nhóm những người di cư không còn cách nào khác ngoài trở về Port-au-Prince (thủ đô Haiti) - nơi đang xảy ra tình hình bất ổn chính trị.

Hoa Kỳ: Phản ứng trái chiều xoay quanh vấn đề trục xuất dân nhập cư Haiti

Dân tị nạn Haiti buộc phải rời đất nước vì thiếu lương thực, nước sạch, sự hoành hành của các băng đẳng và bất ổn chính trị (Nguồn: CNN)

Các nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi Hoa Kỳ ngừng trục xuất dân nhập cư Haiti

Tính đến nay, ước tính khoảng 2.700 người dân Haiti đã bị Hoa Kỳ trục xuất về nước, bao gồm 895 trường hợp trong năm 2020, 353 trường hợp ở thời điểm diễn ra dịch bệnh (2021) và 1.532 vào năm trước (2022), CNN thông tin. Từ tháng 10/2022 - tháng 7/2023, hơn 5.000 người Haiti bị Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ (US Coast Guard) chặn lại trên biển. Dân di cư Haiti thường tiến vào địa phận Hoa Kỳ từ thành phố Ciudad Acuna (tiểu bang Coahuila, Mexico) trước khi tập trung thành cộng đồng tại thị trấn Del Rio (bang Texas), theo Associated Press.

Nguyên nhân khiến người dân quốc gia Cộng hòa Trung Mỹ này có xu hướng rời khỏi quê hương và chọn cách nhập cư trái phép vì tình trạng thiếu lương thực, thiên tai (động đất), khủng hoảng nhân đạo, bất ổn chính trị (vụ ám sát Jovenel Moïse - Cựu Tổng thống Haiti năm 2021) gây ra bởi các băng đảng địa phương, Reuters đưa tin.

Căng thẳng tại Haiti thậm chí vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ngay cả khi ông Ariel Henry - Thủ tướng Haiti kế nhiệm thi hành nhiều chính sách ngăn chặn bạo lực. Chỉ trong vòng 2 tháng (từ ngày 24/4 - 30/6/2023), ghi nhận hơn 1.860 trường hợp trở thành nạn nhân các vụ giết người, tấn công và bắt cóc, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.

Mặc dù Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council) Nhà Trắng thể hiện quan điểm rõ ràng khi yêu cầu tuân thủ các chính sách nhập cư hợp pháp, nhiều nhà vận động nhân quyền vẫn cho rằng, việc trục xuất hoặc yêu cầu dân tị nạn Haiti trở lại thủ đô Port-au-Prince gần như là “án tử”. Theo đó, bà Guerline Jozef - Giám đốc điều hành Haitian Bridge Alliance, Inc (tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ các chính sách nhập cư nhân đạo) kêu gọi Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris Harris và Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ Alejandro Mayorkas chấm dứt mọi hoạt động trục xuất, CNN thông tin.

Trên thực tế, Hoa Kỳ đã khởi động chương trình cho gần 30.000 người từ Haiti, Venezuela, Nicaragua, Cuba nhập cư hợp phép từ tháng 1/2023; đồng thời hỗ trợ tài chính hàng tháng cho cộng đồng dân tị nạn. Số liệu từ Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (U.S. Customs and Border Protection) cho thấy, trong số 181.000 người nhập cư hợp pháp từ tháng 1 - 7/2023, người Haiti chiếm hơn một phần ba (hơn 60.000 người). Như vậy, công dân thuộc quốc gia Trung Mỹ này đang được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách, CNN thông tin.

Hoa Kỳ mong muốn triển khai một lực lượng đa quốc gia ở Haiti

Cũng liên quan đến bất ổn chính trị tại Haiti, nhiều tháng qua, ông Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước láng giềng can thiệp vào tình hình quân sự nước này nhưng phần lớn đều làm ngơ trước yêu cầu trên. Tháng 7/2023, Kenya (thuộc vùng Đông Phi) là quốc gia hiếm hoi điều động khoảng 1.000 sĩ quan cảnh sát giúp đỡ đào tạo và hỗ trợ Haiti khôi phục trạng thái bình thường.

Về phía Hoa Kỳ, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken khen ngợi Chính phủ Kenya, đồng thời mong muốn thông qua sự tham gia của Kenya thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép triển khai lực lượng đa quốc gia ở Haiti. Đến ngày 5/9 vừa qua, ông Jake Sullivan - Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ nhắc lại cam kết hỗ trợ một lực lượng đa quốc gia để hỗ trợ nâng cao năng lực kiểm soát. Sullivan nhấn mạnh rằng, đây là hoạt động đào tạo cảnh sát, không phải nhiệm vụ quân sự, không nhằm mục đích tiếp quản.

Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Kenya nhằm đảm bảo bất kỳ đối tác tiềm năng nào tham gia sứ mệnh đều mang lại lợi ích cho người dân và đất nước Haiti. Bên cạnh đó, chính quyền Biden cũng theo dõi, điều tra mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền sau khi sứ mệnh được triển khai, theo nguồn tin từ Nhà Trắng.

Gale Phong

Bình luận