Hoa Kỳ điều tra chống phá giá và chống trợ cấp nhiều quốc gia
Tin Hoa Kỳ

Hoa Kỳ điều tra chống phá giá và chống trợ cấp nhiều quốc gia

Từ ngày 21/2, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (United States Department of Commerce, viết tắt: DOC) vừa khởi xướng cuộc điều tra chống phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ một số quốc gia, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. Trong hôm nay (28/2), các nhà xuất khẩu, sản xuất phải gửi nội dung phản hồi về DOC.

Trước đó, vào cuối năm 2023, DOC Hoa Kỳ từng có cuộc điều tra làm rõ việc chống bán phá giá (Antidumping Duty, viết tắt: AD) đối với một số quốc gia như: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam,… Trong đó, Việt Nam có 3 sản phẩm bị điều tra là tôm đông lạnh, giá để đồ bằng thép (móc quần áo) và tuabin năng lượng gió.

Sau khi kết thúc điều trần, mới đây, chính quyền Washington, D.C. tiếp tục mở cuộc điều tra AD với đĩa giấy nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan.

Cụ thể, theo thông tin Cục Quản lý Thương mại Quốc tế (International Trade Administration, viết tắt: ITA) Hoa Kỳ đăng tải ngày 21/2, trước đó vào ngày 25/1/2024, DOC có nhận đơn kiện từ người được cho là thay mặt Liên minh Đĩa giấy Hoa Kỳ (American Paper Plate Coalition) về việc áp thuế chống trợ cấp (Countervailing Duty, viết tắt: CVD) một số đĩa giấy nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Kèm theo các đơn kiện về CVD là các tài liệu cáo buộc về thuế chống bán phá giá cũng liên quan đến nhập khẩu đĩa giấy từ Việt Nam, Trung Quốc, bên cạnh đó còn có Thái Lan.

Từ ngày 29/1 - 6/2, DOC đã yêu cầu người khởi kiện cung cấp thêm một số thông tin, bổ sung nội dung liên quan đến vụ việc, phục vụ cuộc điều tra. Tài liệu phía nguyên đơn chỉ ra rằng, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp các khoản trợ cấp có thể đối kháng cho các nhà sản xuất đĩa giấy thuộc hai quốc gia. Điều này khiến việc nhập khẩu sản phẩm từ hai quốc gia châu Á có thể gây tổn hại vật chất hoặc đe dọa ngành sản xuất đĩa giấy trong nước ở Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ điều tra chống phá giá và chống trợ cấp nhiều quốc gia

Hoa Kỳ điều tra chống phá giá và chống trợ cấp nhiều quốc gia (Nguồn: U.S. Department of Commerce)

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization, viết tắt: WTO), trợ cấp xuất khẩu bị cấm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại, gây tác động bất lợi đến lợi ích của các thành viên khác. WTO hiện có 164 thành viên trên tổng số 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Trong đó, Việt Nam gia nhập WTO từ năm 2007, Trung Quốc tham gia tổ chức này từ 2001 và Thái Lan là năm 1995.

Nguyên đơn xác định 149 nhà sản xuất, xuất khẩu đĩa giấy từ phía Trung Quốc và 9 công ty phía Việt Nam là đương sự liên quan đến vụ việc. Sản phẩm bị điều tra là các đĩa ép hoặc cắt từ giấy (trừ trường hợp đúc hoặc ép trực tiếp từ bột giấy); đĩa có độ sâu lên tới 2,0 inch, không màu, màu trắng hoặc được in màu; đáy đĩa sở hữu đường kính không quá 5 inch (nếu có hình tròn) và diện tích không quá 20 inch2 (nếu hình dạng khác). Không giới hạn nguyên liệu, bất kể tre, ống hút, bã mía, cây gai dầu, kenaf, đay, sisal, abaca, bông và sậy hoặc từ các nguồn phi thực vật, chẳng hạn như nhựa tổng hợp (dầu mỏ),…

ITA cho biết, sau hai tuần kể từ ký thông báo trên được đưa ra - tức ngày 28/2 (giờ Hoa Kỳ), các nhà sản xuất, xuất khẩu được đề cập đến phải gửi nội dung phản hồi về DOC theo dạng phần mềm Microsoft Access.

Kaity

Bình luận