Hoa Kỳ: Chủng SARS-CoV-2 mới có dấu hiệu lan rộng
Tin Quốc Tế

Hoa Kỳ: Chủng SARS-CoV-2 mới có dấu hiệu lan rộng

EG.5 - Chủng tiếp theo XBB (biến thể Omicron của Coronavirus) đang gia tăng ở Hoa Kỳ cũng như trên toàn cầu. Chuyên gia cảnh báo dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng.

Hoa Kỳ: Chủng SARS-CoV-2 mới có dấu hiệu lan rộng

EG.5 dưới kính hiển vi (Nguồn: Hãng thông tấn Anadolu Ajansı, Thổ Nhĩ Kỳ)

Biến chủng mới là phân nhánh của XBB thuộc biến thể Omicron

Cách đây không lâu, Tổ chức Y tế Thế giới từng thông báo khẳng định COVID-19 không còn là một tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, nhận định trên đang có dấu hiệu lung lay nghiêm trọng khi vừa qua, một biến thể Omicron mới mang tên EG.5 với khả năng lây nhiễm cao, bất ngờ xuất hiện và có dấu hiệu bùng phát trở lại.

Là phân nhánh của XBB thuộc biến thể Omicron, EG.5 lần đầu tiên được ghi nhận tại Indonesia vào ngày 17/2/2023, theo Tờ báo Độc lập (The Independent). Sau khi tiếp nhận một lượng lớn du khách trong mùa hè, nó bắt đầu lan rộng và gia tăng số ca nhiễm từ giữa tháng 6/2023. Ngay lập tức, mức độ quan tâm đối với biến thể EG.5 đã được nâng lên vào ngày 9/8 vừa qua, bên cạnh các biến thể Omicron khác có khả năng lây lan cao như XBB.1.5 và XBB.1.16, theo WHO.

Trước vấn đề trên, ông Rajendram Rajnarayanan - Nhà sinh học máy tính tại Viện Công nghệ New York (thành phố Jonesboro, tiểu bang Arkansas) cho biết, dựa trên kinh nghiệm từ các làn sóng dịch COVID trước, có thể nhận thấy đây là dấu hiệu dự đoán EG.5 chắc chắn là vấn đề lớn.

Thực tế, EG.5 đã xuất hiện từ mùa thu năm 2022, đồng thời nổi tiếng là dạng biến thể SARS-CoV-2 lây lan nhanh và có khả năng vượt qua khả năng miễn dịch vắc-xin trước đó của Omicron. Sự khác biệt giữa EG.5 và XBB chính là sự thay đổi duy nhất của protein gai (spike protein) trên bề mặt virus. Khi protein gai này kết nối với thụ thể ACE2 (ACE2 receptor) trên tế bào người, nó có khả năng xâm nhập vào phổi thông qua đường mũi, National Geographic thông tin.

Mặc dù vẫn chưa được công bố với cơ quan chức năng lẫn truyền thông, một nghiên cứu sơ bộ tại Nhật Bản đã cho thấy, biến thể EG.5 có khả năng lây lan dễ dàng hơn khoảng 20% so với biến thể XBB.1.5, ông Kei Sato Chuyên gia virus học tại Đại học Tokyo thông tin.

EG.5 có nguy hiểm hay không?

Chưa có dấu hiệu cho thấy EG.5 gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn so với các chủng trước đó, WHO cho biết. Cụ thể, căn cứ theo các số liệu hiện có, WHO nhận định rủi ro do EG.5 gây ra đối với sức khỏe cộng đồng có thể tương đương với các biến thể COVID khác từng được ghi nhận gần đây. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng EG.5 có khả năng miễn dịch và lan truyền nhanh chóng nên nó có thể thay đổi tốc độ và phạm vi ảnh hưởng. Qua đó, nó có thể tạo ra rủi ro cao hơn cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương, theo National Geographic.

Bên cạnh đó, đến nay EG.5 được coi là một biến thể có cấp độ thấp hơn so với Delta và Omicron gốc nên khó tránh phát sinh vấn đề thiếu mẫu dương tính EG.5 phục vụ quá trình nghiên cứu. Quá trình xét nghiệm, xử lý tại nhà và không báo cáo thông tin cũng như giảm số lượng người nhập viện ở nhiều tiểu bang gây khó khăn trong việc giám sát và phân tích, theo The Newyork Times. Như vậy, vấn đề thiếu dữ liệu đang là nguyên nhân khiến các nhà khoa học và WHO chưa thể đánh giá đầy đủ tác động của các biến thể.

Chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ, thông qua giám sát nước thải và tình hình nhập viện tại các trung tâm y tế và nghiên cứu gen từ các tiểu bang (New York, California, Florida,…) đã và đang cho thấy dấu hiệu gia tăng trở lại của đại dịch, National Geographic cho biết.

Cũng theo Rajendram Rajnarayanan - Nhà sinh học máy tính tại Viện Công nghệ New York ở Jonesboro nhận định, nồng độ virus trong các mẫu nước thải trên khắp Hoa Kỳ đã tăng gấp 03 lần kể từ cuối tháng 6/2023. Đây là cơ sở để các chuyên gia có thể giả định và đưa ra cảnh báo cho những tình huống khác nhau.

Mobius Nguyen

Bình luận