Hít bóng cười không chỉ gây nghiện mà còn có nguy cơ tìm đến ma túy
Tin Việt Nam

Hít bóng cười không chỉ gây nghiện mà còn có nguy cơ tìm đến ma túy

Thời gian qua, nhiều cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam ghi nhận hàng loạt trường hợp phải nhập viện điều trị, thậm chí tử vong vì sử dụng bóng cười. Đáng nói là người sử dụng khí cười thường có xu hướng dùng kèm các chất ma túy tổng hợp khác.

Theo fanpage “Thông tin Chính phủ” (Việt Nam) ngày 22/4/2023, việc sử dụng bóng cười liên tục trong thời gian dài khiến nhiều bệnh nhân bị tổn thương, tàn phế suốt đời. Thậm chí có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Trong tháng 4/2023, phòng khám Nội 3 thuộc Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân 15 tuổi tên Vũ T. L. A. bị tổn thương tủy cổ, tê yếu tay chân, đi lại khó khăn kèm theo sụt cân do ngộ độc khí N2O.

Được biết trước đó, thiếu niên này có sử dụng bóng cười liên tục trong vòng 10 ngày, mỗi ngày trung bình 10 quả. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cột sống cổ cho thấy kết quả tổn thương sừng sau tủy cổ.

Qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, kết hợp khai thác thông tin người bệnh, các bác sĩ chẩn đoán A. mắc chứng rễ thần kinh tủy sống cổ do ngộ độc khí cười N2O. Đồng thời, chỉ định bệnh nhân nhập viện và điều trị tại Khoa Thần kinh – Phục hồi chức năng. Bệnh viện Bãi Cháy sử dụng thuốc tăng dẫn truyền thần kinh, thuốc bổ thần kinh kết hợp điều trị oxy cao áp theo phác đồ.

Hít bóng cười không chỉ gây nghiện mà còn có nguy cơ tìm đến ma túy tổng hợp

Bệnh nhân tổn thương ở tủy sống do sử dụng bóng cười (khí N2O)

Bác sĩ Khoa Thần kinh – Phục hồi chức năng Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ, thời gian qua, đơn vị đã tiếp nhận không ít trường hợp ngộ độc do sử dụng liên tục khí N2O. Những triệu chứng thần kinh thường gặp là tê bì, yếu tay chân, đi lại không vững, có (hoặc không có) tổn thương tủy cổ,…

Cũng liên quan đến vấn đề ngộ độc bóng cười, thống kê của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho thấy, ngày nào đơn vị cũng tiếp nhận bệnh nhân điều trị nội trú do sử dụng bóng cười. Với biểu hiện từ nhẹ (tê chân tay, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, suy giảm sức khỏe) đến nặng (tổn thương nghiêm trọng hệ thống tủy sống, tổn thương não và rối loạn tâm thần).

Theo đó, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, người thường xuyên sử dụng bóng cười có nguy cơ nghiện và tiếp tục tìm đến các loại ma túy khác như cần sa, ma túy tổng hợp.

Ghi nhận tình hình thực tế tại Việt Nam suốt thời gian qua, nhiều địa phương xảy ra tình trạng người sử dụng bóng cười thường sử dụng kèm các chất ma túy tổng hợp khác để thỏa mãn thú vui lệch lạc.

Kelvin Nguyen

Bình luận