(TAP) - Liên quan đến vụ Bình Nhưỡng đưa quân đến Moscow tham chiến, Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên hỗ trợ Nga để đổi lấy vũ khí. Trong khi đó, nghiên cứu từ chuyên gia quốc tế cho rằng, Bắc Hàn đã nhận được nhiều lô hàng dầu.
Chuyến công du đến Bình Nhưỡng của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 8 (Nguồn: President of Russia)
Trang tin điện tử chính thức của Chính phủ Hàn Quốc (대한민국 공식 전자정부/Official e-Government of the Republic of Korea) ngày 23/11 dẫn lời Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia nước này - ông Shin Won-sik (신원식) cho rằng, Nga dường như đang cung cấp tên lửa phòng không cho Triều Tiên. Mục đích nhằm bổ sung cho mạng lưới phòng không của Bình Nhưỡng, bao gồm công nghệ liên quan đến vệ tinh mà nước này đã không thể phóng được. Thay vào đó, Bắc Hàn sẽ điều quân tới Moscow hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Tuyên bố trên được ông Shin Won-sik đưa ra tại cuộc họp báo của Đài SBS. Về giả thuyết Triều Tiên liệu có điều thêm quân đến chiến trường châu Âu, đại diện chính quyền Seoul không phủ nhận, nhưng cũng chưa đưa ra xác nhận.
Theo Chính phủ Hàn Quốc, tên lửa phòng Nga dự kiến cung cấp cho Bình Nhưỡng bao gồm mẫu “R-27” và “S-300” - mẫu nòng cốt của mạng lưới phòng không và tên lửa tiêu biểu của quân đội Moscow. Tờ Hankyoreh (한겨레) Hàn Quốc cũng dẫn lời Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Shin Won-sik cho biết, Triều Tiên gần đây cũng cung cấp pháo cho Nga. Ghi nhận từ đầu tháng 10 đến nay, hơn 150 - 160 khẩu pháo tầm xa, bao gồm pháo tự hành 170mm và bệ phóng tên lửa đa nòng 240mm đã được chuyển cho Moscow cùng nhiều loại vũ khí khác. Người đứng đầu cơ quan An ninh Hàn Quốc nhấn mạnh, đây là những vũ khí quân đội Nga chưa từng sử dụng trước đây. Không loại trừ khả năng chuyên viên kỹ thuật quân sự Triều Tiên đã được phái để huấn luyện đối phương vận hành hoặc bảo trì.
Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên hỗ trợ Nga để đổi lấy vũ khí (Nguồn: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc - 대한민국 국방부)
Trong khi đó, truyền thông châu Á (CNA) dẫn lời nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Open Source Centre nói rằng, Bình Nhưỡng đưa quân đến tham chiến để đổi lấy các lô hàng dầu từ Nga. Quan điểm này cũng được kênh truyền thông quốc gia Vương quốc Anh và Bắc Ireland - BBC trích dẫn trong một bài viết có đính kèm hình ảnh vệ tinh ghi nhận, hơn chục tàu chở dầu Triều Tiên đã thực hiện 43 chuyến đi đến một bến dầu ở các cảng Nga trong 08 tháng qua. BBC dẫn lời Ngoại trưởng Vương Quốc Anh David Lammy khẳng định, số dầu này là khoản thanh toán cho lượng vũ khí và quân đội Bình Nhưỡng gửi đến Moscow.
Về lo ngại liên quan đến việc Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump sẽ không quá “mặn mà” trong liên minh quân sự giữa Washington, D.C với Hàn Quốc và Nhật Bản, Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Shin Won-sik cũng trấn an dư luận rằng, hợp tác giữa ba nước chắc chắn vẫn sẽ được tăng cường. Hàn Quốc tin rằng, chính quyền mới của ông Trump xem quan hệ hợp tác giữa ba nước trong lĩnh vực quân sự là cơ chế vì lợi ích Hoa Kỳ, mặc dù đối trọng trực tiếp của Washington, D.C được ông Trump xác định là Bắc Kinh.
Trong một diễn biến khác, Trung Quốc, quốc gia từng nhiều lần ủng hộ kinh tế và chính trị Triều Tiên lại chưa trực tiếp bình luận vụ Triều Tiên triển khai quân tới Ukraine hay sự ủng hộ của Moscow dành cho Bình Nhưỡng. Theo The Guardian, chính quyền Bắc Kinh cũng lo ngại việc chuyển giao công nghệ cho Triều Tiên có thể thúc đẩy phổ biến vũ khí trong khu vực, bao gồm cả hiểm họa hạt nhân. Điều này làm gia tăng căng thẳng địa chính trị với đồng minh của Washington, D.C, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc - một động thái mà Bắc Kinh chắc chắn không muốn trong bối cảnh đất nước tỷ dân muốn “hạ nhiệt” với chính quyền mới của ông Trump. Về mặt lý thuyết, một liên minh quân sự đồng nghĩa Trung Quốc có thể bị kéo vào cuộc chiến nếu lãnh thổ Triều Tiên bị tấn công từ Ukraine, mặc dù hiện tại điều đó có rất khó xảy ra.
Chuyên gia cho rằng Bắc Hàn đưa quân đến Moscow tham chiến để nhận được nhiều lô hàng dầu từ Nga (Nguồn: President of Russia)
Therieon Son
Bình luận