Các nước nói gì về “đường 10 đoạn” mới của Trung Quốc
Tin Quốc Tế

Các nước nói gì về “đường 10 đoạn” mới của Trung Quốc

Liên quan đến “Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” (Standard map' of 2023) vừa được chính quyền Bắc Kinh công bố, phần lớn các quốc gia thuộc khu vực đều bày tỏ thái độ phản đối và lên tiếng bác bỏ. 

Các nước nói gì về “đường 10 đoạn” mới của Trung Quốc

“Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” vừa được công bố

Vào ngày 28/8 vừa qua, Trung Quốc đã công bố hình chiếu thu nhỏ mới thể hiện 10 đoạn đứt khúc, tạo thành hình chữ U (thay thế cho đường 9 đoạn trước đó), được gọi là “Bản đồ chuẩn năm 2023”. Phạm vi ảnh hưởng của bản đồ bao gồm những vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive economic zone, viết tắt: EEZ) của Malaysia, Brunei, Việt Nam, Philippines và Indonesia, theo Reuters. 
Sau khi thông tin trên được công bố, phần lớn cơ quan ngoại giao các nước thuộc khu vực đều lên tiếng phản đối và yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ các nguyên tắc đã cam kết theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea, viết tắt: UNCLOS) thông qua vào năm 1982. 
Cụ thể, ông Daniel Espiritu - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippines cho rằng, những yêu cầu công nhận chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với vùng biển thuộc đảo quốc này là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế. Đồng thời, đại diện cơ quan ngoại giao Philippines cũng nhắc lại phán quyết năm 2016 khi Tòa án Trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration, viết tắt: PCA) đã vô hiệu yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng biển tranh chấp nằm trong “đường chín đoạn”, CNN thông tin.
Về phía Ấn Độ, sau một ngày kể từ khi những hình ảnh và thông tin bản đồ mới được công bố (29/8), chính quyền New Delhi (Thủ đô Ấn Độ) cũng bày tỏ thái độ phản đối gay gắt. Đại diện Bộ Ngoại Giao Ấn Độ cho biết, động thái trên có khả năng khiến những vấn đề biên giới giữa hai nước vốn đã căng thẳng nay lại thêm phần phức tạp, theo tờ The New Daily.
Trong những năm qua, chính quyền đất nước tỷ dân cho rằng một số khu vực thuộc biên giới Ấn Độ, bao gồm bang Arunachal Pradesh và cao nguyên Aksai Chin là những thuộc vùng lãnh thổ chính thức của Trung Quốc. Do đó, cả hai quốc gia này thường xuyên xảy ra tranh chấp, bất đồng về vấn đề biên giới lãnh thổ, Kênh truyền hình Al Jazeera cho biết. 
Đến ngày 31/8, Bộ Ngoại giao Malaysia nhận định, bản đồ mới thể hiện những yêu sách trên biển có phần “đơn phương” của Trung Quốc. Nguyên nhân vì trùng lặp với địa phận các bang Sabah và Sarawak thuộc khơi bờ biển Borneo (Malaysia). Theo đó, chính quyền Kuala Lumpur không công nhận các yêu sách trên, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục cho các tàu thăm dò dầu khí ngoài khơi Borneo bất chấp những mối đe dọa tiềm ẩn, Al Jazeera thông tin.
Cùng ngày 31/8, người ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, đường đứt đoạn mới của Trung Quốc có phạm vi bao trùm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Điều này là hành động xâm phạm chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển đã được xác định bởi UNCLOS. Do đó, yêu sách trên không có giá trị và vi phạm luật pháp quốc tế, theo Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao (Việt Nam).
Đây không phải lần đầu tiên bản đồ “đường 10 đoạn” của chính quyền Bắc Kinh khiến các nước trong khu vực phải lên tiếng phản đối. Vào năm 2014, Nhà xuất bản đồ Hồ Nam (Trung Quốc) từng công bố một tấm bản đồ thể hiện “đường 10 đoạn” lấn sát các bờ biển của Philippines, Malaysia, Việt Nam,… với chiều dài khoảng 5.500 km và chiều rộng là 5.200 km, theo tờ People's Daily.


Kelvin Huynh

Bình luận