(TAP) - Black Friday, ngày mua sắm lớn nhất trong năm tạo cơn sốt trên toàn cầu, thu hút hàng triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới. Vậy Black Friday thực sự là gì? Từ đâu mà có và liệu nó có đáng để chúng ta mải miết chạy theo không? Cùng tìm hiểu sự thật thú vị và đôi khi không kém phần gây tranh cãi về ngày mua sắm đình đám này!
Mỗi năm, vào ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 11, hàng triệu người trên khắp thế giới đều háo hức tham gia vào một "cuộc đua" mua sắm lớn nhất năm – Black Friday. Thuật ngữ này bắt đầu được sử dụng vào những năm 1950 tại Hoa Kỳ để mô tả sự đông đúc và ồn ào khi mọi người bắt đầu mua sắm cho mùa Giáng Sinh ngay sau Lễ Tạ ơn (Thanksgiving). Các cửa hàng trở nên chật kín người, dẫn đến kẹt xe và quá tải.
Ảnh minh họa
Đến những năm 1960, thuật ngữ “Black Friday” mới được sử dụng phổ biến, gắn liền với một ý nghĩa mới với từ "black" trong tên gọi "Black Friday" tượng trưng cho sự thay đổi từ các cửa hàng. Bởi vào thời điểm này, các cửa hàng sẽ chuyển từ trạng thái thua lỗ (in the red) sang có lãi (in the black) nhờ vào lượng mua sắm khổng lồ. Chương trình giảm giá hấp dẫn vào dịp Black Friday giúp doanh thu của họ đạt mức cao kỷ lục.
Từ một ngày mua sắm đơn thuần, Black Friday ngày nay trở thành một sự kiện không thể thiếu trong mùa Giáng Sinh. Black Friday không chỉ là cơ hội mua sắm hấp dẫn mà còn là tấm gương phản chiếu sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của con người. Trước đây, người tiêu dùng phải đích thân đến cửa hàng tham gia vào đợt giảm giá. Tuy nhiên, người tiêu dùng giờ đây có thể dễ dàng tham gia vào chương trình khuyến mãi thông qua sàn thương mại điện tử mà không cần phải rời khỏi nhà. Chính sự chuyển mình đó đã giúp Black Friday trở thành một sự kiện mang tính toàn cầu, thay đổi cách thức mua sắm truyền thống.
Ảnh minh họa
Những thị trường lớn như Anh, Canada, Trung Quốc và nhiều nước châu Âu đều tham gia vào cơn sốt giảm giá. Dù vậy, Hoa Kỳ vẫn là nơi Black Friday giữ vị trí quan trọng nhất, với các chiến dịch khuyến mãi quy mô lớn. Suốt cả ngày, hàng nghìn cửa hàng trên toàn cầu tranh nhau tung ra những đợt ưu đãi “khủng” cho đủ loại sản phẩm, từ điện tử, thời trang, mỹ phẩm cho đến đồ gia dụng. Đây chính là cơ hội vàng để người tiêu dùng sắm về những món đồ mong ước với mức giá siêu hấp dẫn, có khi giảm tới 70% so với giá ban đầu. Đặc biệt, sự phát triển mua sắm trực tuyến mang lại một diện mạo mới cho Black Friday. Các nền tảng thương mại điện tử không chỉ giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian mà còn cung cấp chương trình giảm giá hấp dẫn, dễ dàng tiếp cận từ mọi nơi. Điển hình như Amazon, eBay, Shopee, Lazada,…đã thu hút hàng triệu người tham gia vào đợt giảm giá.
Mặc dù Black Friday là ngày hội mua sắm sôi động, nhưng không phải ai cũng dành lời khen ngợi cho sự phát triển mạnh mẽ của nó. Một số ý kiến cho rằng sự bùng nổ của ngày này phản ánh một thói quen tiêu dùng thái quá, dẫn đến tác động tiêu cực về môi trường và xã hội. Theo họ, Black Friday khuyến khích việc mua sắm không kiểm soát, tạo ra một vòng xoáy lãng phí tài nguyên. Hơn nữa, khi hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ với tốc độ chóng mặt, người tiêu dùng đôi khi lại rơi vào áp lực vô hình để sở hữu những món đồ mới, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của chính mình.
Tuy có không ít tranh cãi xoay quanh nhưng không thể phủ nhận rằng Black Friday đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa tiêu dùng hiện đại. Khi chúng ta tận hưởng món hàng giảm giá, cũng cần nhận thức về việc tiêu dùng bền vững hơn, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cá nhân mới có thể thật sự trải nghiệm Black Friday một cách ý nghĩa và có trách nhiệm.
Trang Thanh
Bình luận