(TAP) - Từ ngày 24 - 26/4 tới đây (giờ địa phương), Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ có hoạt động công du đến Thượng Hải và Bắc Kinh. Chuyến đi của đại diện phía Washington, D.C được cho nhằm thực hiện ba mục tiêu ngoại trọng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Theo tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao (Department of State) Hoa Kỳ ngày 20/4, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ lần lượt gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc và thảo luận về một loạt vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu quan tâm.
Nhân chuyến ghé thăm và làm việc lần này, đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cùng giới chức Bắc Kinh trao đổi tiến độ thực hiện các cam kết trước đó giữa Tổng thống Joe Biden và người đứng đầu nhà nước Trung Quốc - ông Tập Cận Bình. Được biết, tại Hội nghị thượng đỉnh Woodside (Woodside Summit) vào tháng 11/2023, sự kiện có sự xuất hiện của người đứng đầu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch nước Trung Quốc đã thống nhất nối lại hợp tác về phòng chống ma túy, liên lạc giữa quân đội, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), tăng cường quan hệ giữa người dân và cộng đồng các bên.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (trái) sẽ có chuyến đi đến Thượng Hải và Bắc Kinh gặp gỡ giới chức phía Trung Quốc (Nguồn: Department of State)
Ngoài ra, theo thông tin Văn phòng Người phát ngôn (Office of the Spokesperson) Bộ Ngoại giao đăng tải trước đó một ngày (19/4). Chuyến đi Ngoại trưởng Antony Blinken đến Bắc Kinh nhằm thực hiện ba mục tiêu chính:
Thứ nhất, đạt được tiến bộ trong các vấn đề then chốt theo thỏa thuận trước đó giữa người đứng đầu hai nước tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 11 (đề cập phía trên).
Thứ hai, bày tỏ quan ngại về vấn đề nhân quyền, hoạt động kinh tế và thương mại thiếu công bằng, hậu quả kinh tế toàn cầu do dư thừa năng lực công nghiệp của Trung Quốc. Phía Washington, D.C cũng sẽ nhắc lại lo ngại về hỗ trợ của Bắc Kinh đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga; thảo luận những thách thức ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông; mối đe dọa từ Triều Tiên; khủng hoảng ở Myanmar; tầm quan trọng của hòa bình và ổn định quanh eo biển Đài Loan.
Thứ ba, thể hiện quan điểm ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Phía Washington, D.C cho rằng, việc cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi phải có biện pháp ngoại giao phù hợp, trực diện và có chiều sâu. Điều này tương đối quan trọng để quản lý những căng thẳng phát sinh trong chiến lược phát triển giữa hai cường quốc. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ duy trì các kênh liên lạc cởi mở giúp truyền đạt rõ ràng, công khai quan điểm và chính sách nhằm ngăn chặn những hiểu lầm không đáng có.
Kelvin Huynh
Bình luận