Công nghiệp văn hóa là ngành sản xuất, tái sản xuất, phổ biến, tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ văn hóa bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa, thương phẩm hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội. Sở hữu nhiều di tích, di sản văn hóa, Yên Bái có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có du lịch văn hóa.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 123 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được các cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng; trên 700 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó có Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Tỉnh đang thực hiện Quyết định số 1755 ngày 8/9/2016 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Bên cạnh đó, địa phương còn triển khai nhiều Đề án như "Bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”; triển khai kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn Yên Bái... gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 ngày 24/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030…
Người Mông Yên Bái gìn giữ nét văn hóa riêng có của dân tộc mình. Nguồn: bvhttdl.gov.vn
Yên Bái đang từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa dành cho khách quốc tế, giới thiệu và quảng bá hình ảnh di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh gắn với chuỗi sản phẩm du lịch trong vùng Tây Bắc, tạo nên hình ảnh, điểm đến đặc thù "Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”. Việc đầu tư, phát triển cùng lúc 12 lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa (quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa) là rất khó, không phải lĩnh vực nào cũng là ưu thế của địa phương.
Thực tế cho thấy, Yên Bái có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch gắn với văn hóa. Nhiều năm qua, địa phương đã tạo ra mô hình phát triển du lịch dựa vào thế mạnh văn hóa. Du lịch cung cấp phương tiện quan trọng nhằm quảng bá hình ảnh địa phương và khuếch trương nền văn hóa dân tộc bản địa; đồng thời, thúc đẩy văn hóa phát triển, củng cố di sản văn hóa. Để thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa gắn với sản phẩm du lịch cần tăng cường tính liên kết giữa các ngành, các vùng nhằm tăng cường phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc phát triển công nghiệp văn hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy số hóa ngành công nghiệp văn hóa địa phương,... Với quyết tâm của toàn tỉnh, Yên Bái sẽ hoàn thành tốt mục tiêu đề ra nhằm góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương.
Như Nguyệt (TH)
Bình luận