Xung đột ở Trung Đông gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng
Tin Quốc Tế

Xung đột ở Trung Đông gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng

Cuộc xung đột ở Trung Đông có thể gây rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu. Nguyên nhân vì khu vực này chiếm hơn một phần ba lượng vận chuyển dầu bằng đường biển của thế giới. Do đó, tác động kinh tế từ cuộc chiến giữa Israel - Hamas đang là đề tài được truyền thông quan tâm.

Xung đột ở Trung Đông gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng

Cuộc xung đột lớn ở Trung Đông có khả năng khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên tồi tệ (Nguồn: France 24)

Vừa qua, theo thông tin từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency, viết tắt: IEA), tuy cuộc xung đột giữa Israel và Hamas có ảnh hưởng đến thị trường dầu, nhưng nguy cơ gián đoạn nguồn cung không cao. Ban đầu, sự gia tăng đột ngột giá dầu (từ ngày 7/10) dấy lên lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung cấp. Dù vậy, thị trường nhanh chóng ổn định trở lại do không bị đứt đoạn ngay lập tức và chưa có dấu hiệu can thiệp trực tiếp từ bên ngoài. IEA cũng tuyên bố sẵn sàng can thiệp khi cần thiết.

Mặc dù nguy cơ gián đoạn nguồn cung không cao nhưng giá dầu vẫn đang ở mức cao do Ả Rập Saudi và Nga đã cắt giảm nguồn cung (từ tháng 6/2023). Điều này không chỉ gây áp lực kinh tế đối với nước nhập khẩu dầu thô mà còn dấy lên nguy cơ thiếu hụt năng lượng ở châu Âu vào mùa đông 2023, France 24 (mạng truyền hình tin tức quốc tế của Pháp) thông tin.

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas tác động tiêu cực đến ngành sản xuất thủy tinh ở thành phố Firozabad (bang Uttar Pradesh, Ấn Độ). Những đơn hàng nước ngoài phần lớn bị tạm ngưng hoặc hủy bỏ. Doanh nghiệp Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu mặt hàng chế tác từ thủy tinh như vòng tay, đồ trang trí,… cho các nước (Israel, Palestine và một số quốc gia châu Âu) vào dịp lễ hội.

Hiện nay, ảnh hưởng của chiến tranh khiến ngành sản xuất thủy tinh ở Firozabad lâm vào tình trạng bất ổn. Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh phải chịu mức tổn thất lên đến hàng nghìn Rupee (đơn vị tiền tệ Ấn Độ). Không chỉ đối mặt với nguy cơ sụt giảm lợi nhuận, doanh nghiệp Ấn Độ còn đứng trước rủi ro phải hoàn trả tiền cọc cho đối tác, nguyên nhân do giao thương trì trệ, theo CNBC-TV8 (Kênh tin tức về Ấn Độ và thế giới).

Tương tự mặt hàng thủy tinh, ngành xuất khẩu da ở thành phố Kanpur (Ấn Độ) cũng lao đao trước tình hình căng thẳng Israel - Hamas. Theo CNBC-TV8, nhiều sản phẩm giày bảo hộ, ủng và túi xách từ các doanh nghiệp xuất khẩu da không thể giao hàng hoặc tiến hành thanh toán. Nhiều đơn hàng có sẵn nhưng chưa thể gửi đi, gây tổn thất lên đến 400 - 500 tỷ Rupee. Điều này gia tăng lo ngại về nguy cơ mất cơ hội kinh doanh trong thời điểm quan trọng, đặc biệt là mùa Giáng sinh 2023.

Ông Alok Srivastava - Trợ lý Giám đốc Liên đoàn Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ (Federation of Indian Export Organisations), vừa qua đã lên tiếng quan ngại tác động tiêu cực của cuộc chiến đối với ngành xuất khẩu nước này. Đồng thời, việc hàng tỷ Rupee tổn thất và giao dịch bị trì trệ khả năng tăng cao nếu tình hình tiếp tục tồi tệ, Srivastava đánh giá.

Garieo

Bình luận