(TAP) - Việt Nam công bố Chương trình hành động quốc gia đầu tiên về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh tại Đà Nẵng vào ngày 08/08, được Vương quốc Anh hỗ trợ 3 triệu bảng Anh.
Thông tin trên đăng tải từ trang fanpage UK in Vietnam (trang chính thức của Đại sứ quán Anh và Tổng Lãnh sự quán Anh tại Việt Nam). Hơn 80 đại biểu từ các cơ quan Chính phủ, các tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, tổ chức cộng đồng và các đối tác quốc tế đến tham dự chương trình.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt và Tham tán Chính trị, Kinh tế và Phát triển Đại sứ quán Anh Ruth Turner có cuộc gặp gỡ, trao đổi. Tham tán Ruth Turner cho biết Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam thông qua chương trình Phụ nữ, Hòa bình và An ninh ASEAN-Anh (WPS) trị giá hơn 3 triệu bảng Anh. Bên cạnh đó, hai nước tiếp tục hợp tác để tăng cường bình đẳng giới, thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ và đóng góp cho hòa bình và an ninh trên toàn cầu. Ngoài ra, Tham tán chia sẻ những bài học từ kinh nghiệm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia của Vương quốc Anh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đỗ Hùng Việt gặp gỡ Tham tán Chính trị, Kinh tế và Phát triển Đại sứ quán Anh, Ruth Turner. Nguồn: Trang fanpage UK in Vietnam.
Được biết, chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh được đề ra nhằm bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hoà bình, an ninh giai đoạn 2024 – 2030. Với các mục tiêu chính bao gồm tăng cường sự tham gia của phụ nữ; ứng phó tốt hơn với bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường lồng ghép quan điểm về giới trong các công tác cứu trợ và phục hồi; tăng cường hợp tác quốc tế.
Các đại biểu dự sự kiện. Nguồn: Trang fanpage UK in Vietnam.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt khẳng định Việt Nam luôn đề cao bảo vệ, phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hoà bình, an ninh đất nước. Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh ở quốc tế. Cụ thể là việc chủ trì thông qua Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thúc đẩy thông qua Cam kết Hà Nội năm 2020 với 75 nước đồng bảo trợ.
Trước những kết quả đạt được, Thứ trưởng cho rằng cần kết hợp xây dựng kế hoạch triển khai hành động cụ thể, biện pháp theo dõi và đánh giá hiệu quả, nguồn lực bền vững cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội. Để các mục tiêu đề ra trong Chương trình hành động được thực hiện hóa và phát huy hơn nữa.
Quốc Trung
Bình luận