Theo báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), nhằm phục vụ công tác phòng chống và kiểm soát hiệu quả chất cấm, Bộ Công an đã phối hợp cùng những đơn vị liên quan xây dựng dự thảo bổ sung 17 chất mới vào Danh mục chất ma túy và tiền chất.
Hiện nay, một số chất gây nghiện, kích thích hoặc ức chế thần kinh (chất hướng thần) có tác hại tương tự ma túy đang bị nhiều đối tượng lạm dụng, mua bán, kinh doanh bất hợp pháp. Tuy nhiên, những hợp chất này chưa nằm trong danh mục kiểm soát khiến cơ quan chức năng thiếu cơ sở pháp lý tiến hành xử phạt. Do đó, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... sửa đổi và bổ sung dự thảo Nghị định liên quan đến chất thuộc danh mục ma túy và tiền ma túy.
Dự thảo Nghị định trên sẽ thêm 17 chất ma túy mới vào danh sách. Trong đó, có 4 chất nằm trong danh mục kiểm soát theo Công ước quốc tế về thống nhất các chất ma túy (1961) và Công ước về các chất hướng thần (1971) từng được Việt Nam thống nhất tại phiên họp lần thứ 64 của Ủy ban kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc (CND) năm 2021. Bao gồm Isotonitazene, CUMYL-PEGACLONE, MDMB-4en-PINACA, Diphenidine.
Qua quá trình đấu tranh và thu giữ tang vật từ năm 2020 đến nay, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) ghi nhận và đề xuất thêm 7 chất gây nghiện, hướng thần khác có tác hại tương tự ma túy vào danh mục quản lý. Bao gồm: 4F-ABUTINACA, 4F-MDMB-BUTICA, ADB-BUTINACA (3 chất thuộc nhóm cần sa tổng hợp gây ảo giác) và 1cp-LSD, 2-FMA, 3-MMC, 3-FEA (4 chất kích thích, gây ảo giác). Hiện nay, CND cũng liệt những chất này vào nhóm chất hướng thần mới (NPS).
Một số chất ma tuý, hướng thần mới cần nhanh chóng được kiểm soát (Nguồn: Công An Thành Phố Hồ Chí Minh)
Đến cuối năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kiến nghị thêm 3 chất hướng thần vào danh mục kiểm soát, bao gồm 4F-MDMB-BICA (nhóm cần sa tổng hợp) và Metonitazene, Brorphine (nhóm thuốc phiện tổng hợp). Đáng chú ý là những chất này chưa thuộc danh mục của Việt Nam và đang bị kiểm soát ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức,… Trong năm 2022, nếu kiến nghị WHO được thông qua, đề xuất bổ sung của Bộ Công an sẽ giúp Việt Nam đón đầu xu hướng, tránh tình trạng các chất ma túy mới có cơ hội du nhập, giảm thiểu thời gian sửa đổi, bổ sung danh mục cần kiểm soát.
Cũng tại phiên họp lần thứ 64 của CND trong năm 2021, các nước thành viên đã thống nhất bổ sung 3 chất Clonazolam, Diclazepam, Flubromazolam vào danh mục kiểm soát. Dựa vào cơ sở này, Bộ Công an kiến nghị đưa nhóm chất trên vào Danh mục III tức “Các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.”
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng chuyển 2 tiền chất Diethylamine, Methylamine từ danh mục IVB (chất dung môi, xúc tác quá trình sản xuất ma túy) sang IVA (chất thiết yếu, tham gia cấu trúc ma túy).
Đồng thời, dựa vào định nghĩa của Công ước thống nhất về các chất ma túy năm 1961 và hạn chế bỏ sót nhiều dạng chiết xuất, tinh chế khác, Bộ Công an cũng đề nghị sửa đổi nội dung “Cần sa và các chế phẩm cần sa” thành “Cây cần sa, nhựa cần sa và các chế phẩm từ cây cần sa” và “Thuốc phiện và các chế phẩm từ thuốc phiện” thành “Cây thuốc phiện, nhựa thuốc phiện và các chế phẩm từ cây thuốc phiện”.
Thái Sơn (TH)
Bình luận