Vi phạm ở Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam
Tin Việt Nam

Vi phạm ở Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

(TAP) - Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam Đồng Xuân Thụ cùng thuộc cấp bị bắt giữ khẩn cấp với cáo buộc Cưỡng đoạt tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng thông qua chương trình “Cây Chổi Vàng". 

Vào ngày 23/9/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc, phương tiện cá nhân đối với: Đồng Xuân Thụ - Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị (SN 1972, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội); Bùi Văn Toàn - Trưởng Ban kinh tế, môi trường Tạp chí Môi trường và Đô thị (SN 1980, trú tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội); Cao Thị Thu Hường - Kế toán Tạp chí Môi trường và Đô thị (SN 1989, trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội); Nguyễn Ngọc Tuyên - Phóng viên Tạp chí Môi trường và Đô thị (SN 1989, trú tại xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình); Nguyễn Tất Triển - Phóng viên Tạp chí Môi trường và Đô thị (SN 1978, trú tại phường Trần Lãm, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình).

Đến hôm 26/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình tiếp tục ra Lệnh tạm giữ, Lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc đối với: Nguyễn Thị Ánh Hồng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đặng Văn Phục - Phóng viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị (38 tuổi, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội); Vũ Đức Lân - Phóng viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị (43 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

 

Vi phạm ở Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

Ông Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam (giữa), bị giữ khẩn cấp về tội cưỡng đoạt tài sản. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam

Cả 8 người trên đều bị điều tra về dấu hiệu tội phạm Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự. Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, từ năm 2020, ông Đồng Xuân Thụ chỉ đạo thành lập chương trình gây quỹ từ thiện “Cây Chổi Vàng” dưới danh nghĩa ủng hộ, giúp đỡ công nhân vệ sinh môi trường có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng trên thực tế, chương trình này chỉ là vỏ bọc, công cụ tinh vi để các đối tượng móc nối, cấu kết với nhau cưỡng đoạt tài sản của hàng trăm bị hại trên cả nước.

Vi phạm ở Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

Trưởng Ban Kinh tế Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Bùi Văn Toàn bị điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam

Cụ thể, ông Đồng Xuân Thụ đã chỉ đạo cán bộ, phóng viên, cộng tác viên đi tìm kiếm, nắm bắt thông tin, dấu hiệu sai phạm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… Sau đó, các đối tượng lấy chứng cứ có được đe dọa buộc họ tham gia chương trình “Cây Chổi Vàng”. Nếu không làm theo, các đối tượng sẽ đăng tải các thông tin xấu lên Tạp chí Môi trường và Đô thị để hạ bệ uy tín, tổn hại đến công việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong các buổi làm việc với người dân, doanh nghiệp, chúng luôn chuẩn bị sẵn hợp đồng mời tài trợ chương trình "Cây Chổi Vàng". Khi cưỡng ép được bị hại đồng ý tham gia thì các đối tượng yêu cầu ký và thu tiền ngay lập tức. Số tiền thu về sẽ được Đồng Xuân Thụ cùng thuộc cấp chia chác, phân bổ cho nhau theo tỉ lệ thỏa thuận trước.

Phía Công an tỉnh Thái Bình đánh giá, đây là một vụ án rất phức tạp với phương thức và thủ đoạn hoạt động tinh vi, có tổ chức. Các đối tượng đều là những người am hiểu pháp luật, hoạt động trá hình dưới danh nghĩa cơ quan báo chí làm từ thiện.

Theo chúng tôi ghi nhận, không chỉ riêng vụ “Cây Chổi Vàng” mà thủ đoạn này đã được ông Đồng Xuân Thụ và những nhóm phóng viên, cộng tác viên sử dụng thời gian dài. Trong đó nổi trội là nhóm Lê Lành, chuyên sử dụng trang Pháp luật Môi trường tống tiền nhiều đơn vị, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông. Lê Lành, Lê Tài Năng và Phan Hải hình thành nhóm với phương thức hoạt động tương tự. Sau khi nắm thông tin, nhóm này sẽ thực hiện hành vi quay lén các cơ quan chức năng đang trong quá trình làm việc, sau đó đăng tải lên Tạp chí Môi trường và Đô thị và trang Pháp luật Môi trường. Bài viết thường được gửi đến cá nhân, tổ chức liên quan nhằm đe dọa sau đó đặt vấn đề đưa tiền để gỡ bài. 

Ha Nam

 

Bình luận