Tục ăn trầu – Nghi thức xã giao độc đáo của người Việt
Văn hóa

Tục ăn trầu – Nghi thức xã giao độc đáo của người Việt

Là một đất nước giàu truyền thống văn hóa, mỗi phong tục truyền thống Việt Nam đều mang nét đặc sắc riêng, bình dị và mộc mạc. Trong đó, tục ăn trầu với hình ảnh giản dị về các bà, các mẹ ngồi nhai trầu và chuyện trò trước hiên nhà trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Việt. Những khoảng khắc đẹp này đã được khắc sâu vào tiềm thức người Việt Nam, đặc biệt là người Việt xa quê.

 

Nguồn gốc tục ăn trầu tại Việt Nam

Tục ăn trầu được biết đến là nghi thức xã giao quan trọng của cộng đồng dân cư các nước Đông Nam Á. Nhiều nghiên cứu khoa học khảo cổ chứng minh tục ăn trầu ở Việt Nam hình thành trong giai đoạn phát triển nền văn hóa Đông Sơn (khoảng 800 năm TCN). Cụ thể, khi khai quật một ngôi mộ thời kỳ Đông Sơn tại núi Nấp (tỉnh Thanh Hóa), các nhà khảo cổ tìm thấy vài bộ răng có niên đại từ 1.700 đến 3.000 năm. Qua kiểm tra, trên bộ răng có nhiều chứng tích phẩm màu đỏ được xác định là vật chất do quả cau lưu lại. Từ đó nhận định, thời Đông Sơn người Việt xưa đã xuất hiện tục ăn trầu.

Tục ăn trầu – Nghi thức xã giao độc đáo của người Việt Khay đựng trầu cau

Một số tài liệu sưu tầm khác lại cho rằng, tục ăn trầu hình thành từ thời vua Hùng dựng nước Văn Lang (năm 2879 - 258 TCN). Theo “Lĩnh nam chích quái” của Trần Thế Pháp ghi chép lại, sự ra đời tục ăn trầu bắt nguồn bởi câu chuyện dân gian:

Ngày xưa, có chàng trai họ Cao tên Quang Lang, lấy vợ sinh ra hai người con trai đặt tên là Tân và Lang. Khi lớn lên, hai anh em nhà họ Cao theo đạo sĩ họ Lưu học tập. Lúc này, nhà đạo sĩ có con gái đến tuổi lấy chồng nên đã gả cho người anh. Từ đó, hai anh em họ Cao không còn thân thiết như trước. Quá buồn tủi, người em bèn bỏ nhà ra đi. Tuy nhiên, đến giữa đường người em gặp con suối lớn, vì quá đói và mệt đã không vượt qua được và cứ thế mà chết đi, biến thành phiến đá vôi bên cạnh con suối. Người anh khi ấy lên đường tìm em, nhìn thấy người em chết thảm, anh đau lòng chết theo người em và hóa thành cây cau mọc cạnh tảng đá vôi. Người vợ đi tìm chồng, đến nơi nhìn thấy người anh chết cũng khóc thương rồi hóa thành cây trầu, từng dây leo quấn quýt lấy thân cây cau. Gia đình người đạo sĩ họ Lưu đi tìm con thì nghe được câu chuyện trên, quá đau lòng nên lập đền thờ cho ba người.

Một hôm, vua Hùng đi tuần ngay qua đền thờ bèn sai cận thần hái cau, lá trầu và một ít vôi dùng thử. Khi nhai xong, vua cảm thấy như có hơi men, sắc mặt hồng hào, môi đỏ tươi tựa như tình yêu thương nồng ấm của ba người nhà họ Cao. Vì vậy, vua cho ban chiếu rằng, trong các buổi lễ lớn nhỏ, đặc biệt là lễ cưới cần phải dùng trầu, cau và vôi làm vật phẩm nhằm thể hiện tình nghĩa gắn kết. Từ đó, tục ăn trầu của người Việt ra đời và dần trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống phổ biến đến tận ngày nay.

Cách ăn trầu của người Việt

Tục ăn trầu phổ biến ở nhiều bậc trung niên và người Việt lớn tuổi. Thông thường, trước khi bắt đầu nói chuyện đàm đạo hay hàn huyên, mọi người sẽ mời khách dùng trầu cau để bày tỏ sự hiếu khách, trân trọng mối giao hảo.

Được biết, một khay trầu hoàn chỉnh gồm: lá trầu xếp ngay ngắn cơi (chiếc khay nhỏ, đáy nông và có nắp), quả cau bổ làm 6 miếng nhỏ và một bình vôi (loại vôi tôi để lâu, nhão, có màu trắng hoặc màu hồng). Khi ăn trầu, người ta sẽ quét vôi lên lá trầu, lấy một miếng cau rồi đưa vào miệng nhai nát. Trong lúc nhai, có thể dùng một ít thuốc lào hoặc thuốc lá để chà răng (gọi là thuốc xỉa). Sau khoảng 30 - 60 phút thì nhả bỏ bã trầu cũng như phần thuốc xỉa và uống nước lọc để súc miệng.

Tục ăn trầu – Nghi thức xã giao độc đáo của người Việt Hình ảnh các bà cùng nhau ăn trầu, chuyện trò vui vẻ

Vị cau ngọt thanh hòa với vị trầu cay và chát nóng từ vôi, đem lại cảm giác hơi say và kích thích cho người ăn. Đặc biệt, có tác dụng làm thơm miệng, hồng môi,… đây cũng là một trong những lý do tục ăn trầu trở thành nghi thức không thể thiếu của văn hóa giao tiếp.

Ý nghĩa tục ăn trầu

Dân gian Việt Nam có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, chính vì vậy tục ăn trầu mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong văn hóa giao tiếp của người Việt. Xuất hiện ở nhiều buổi lễ lớn nhỏ như: ngày Tết, cúng giỗ, cưới hỏi,… bên cạnh các mâm bánh trái, chè, rượu chè nhất định phải có mâm trầu cau thể hiện tình nghĩa gắn kết keo sơn.

Tục ăn trầu – Nghi thức xã giao độc đáo của người Việt Mâm lễ trầu cau ngày cưới

Ngoài ra, tục ăn trầu còn tượng trưng cho quan niệm thẩm mỹ người Việt xưa. Mọi người cho rằng hàm răng càng đen, càng bóng sẽ càng đẹp. Vì thế, họ thường nhai trầu và kết hợp thực hiện phương pháp nhuộm răng để có được hàm răng đen bóng như ý muốn.

Ngày nay, quan điểm thẩm mỹ có nhiều thay đổi, hình ảnh những cô bác trung niên, cụ già ngồi trước sân tay cầm bình vôi, miệng nhai ít trầu đo đỏ xuất hiện ít dần. Tuy nhiên, dù tục ăn trầu không còn phổ biến như trước, nhưng các khay trầu cau vẫn có mặt trang trọng trên mâm lễ của người Việt ở khắp nơi vào mỗi dịp quan trọng. Bởi trong tiềm thức người Việt nói chung và người Việt xa quê nói riêng, trầu cau đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa dân tộc, luôn được giữ gìn, bảo tồn và phát huy trọn vẹn giá trị đẹp đẽ vốn có.

Lam Chi

Bình luận