Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Bắc Kinh Sun Weidong vừa gặp gỡ bà Soeung Rathchavy - Tân Đại sứ Campuchia tại Trung Quốc. Đôi bên đã cùng nhau trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm cũng như cách thức đẩy nhanh tiến trình hợp tác hai nước.
Theo thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc (Ministry of Foreign Affairs, the People's Republic of China) đăng tải ngày 2/3, trước đó một ngày ở Bắc Kinh, Thứ trưởng ngoại giao nước này - ông Sun Weidong đã gặp Tân Đại sứ Campuchia mới được bổ nhiệm Soeung Rathchavy.
Phía Bộ ngoại giao Bắc Kinh hoan nghênh bà Rathchavy đảm nhận chức vụ mới ở nước này. Trên cơ sở hướng đến thực hiện các mục tiêu chung, đại diện hai nước cũng bày tỏ quan điểm về quan hệ hợp tác song phương cũng như các vấn đề khác cùng quan tâm. Đôi bên đều đánh giá cao tình hữu nghị bền chặt giữa chính quyền và nhân dân, đồng thời nhất trí đẩy nhanh tiến trình hợp tác, xây dựng “Hành lang phát triển công nghiệp” (Industrial Development Corridor) và “Hành lang cá và lúa gạo” (Fish and Rice Corridor).
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Sun Weidong và Đại sứ Campuchia tại Trung Quốc Soeung Rathchavy (Nguồn: Ministry of Foreign Affairs, the People's Republic of China)
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, thiết lập “Hành lang phát triển công nghiệp” giữa nước này và Campuchia là sáng kiến nhằm hỗ trợ chuyển đổi vùng ven biển Sihanoukville trở thành đặc khu kinh tế đa năng kiểu mẫu. Ông Kin Phea - Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia (International Relations Institute of Cambodia) cho biết, cảng tự trị Sihanoukville cũng như đặc khu kinh tế Sihanoukville và đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville sẽ là cơ sở hạ tầng quan trọng hỗ trợ hình thành “Hành lang phát triển công nghiệp” ở khu vực
Riêng về “Hành lang cá và lúa gạo”, đây là sáng kiến giúp phát triển nông nghiệp sinh thái hiện đại gần Tonle Sap - Hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển toàn cầu (1997). Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia Dith Tina, sáng kiến “Hành lang cá và lúa gạo” giúp tăng cường thương mại nông nghiệp với chính quyền đất nước tỷ dân. Thỏa thuận này này cho phép Trung Quốc và Phnom Penh tập trung phát triển ở lĩnh vực nuôi trồng (lúa gạo, thủy sản,…); chế biến nông sản (trái cây nhiệt đới, rau quả); đảm bảo đầu vào nguyên liệu nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi); củng cố máy móc hiện đại, công nghệ mới và tạo nguồn nhân lực.
Cũng tại cuộc gặp, Thứ trưởng Sun Weidong và Đại sứ Soeung Rathchavy cho biết sẽ tăng cường hợp tác, làm phong phú thêm ý nghĩa của khuôn khổ hợp tác “lục giác kim cương” (diamond hexagon). Đây là khuôn khổ hợp tác được hai nước thành lập từ tháng 2/2023, tập trung vào trung vào 6 lĩnh vực ưu tiên. Bao gồm hợp tác chính trị; năng lực và chất lượng sản xuất; nông nghiệp; năng lượng; an ninh và giao lưu nhân dân, theo thông tin từ trang Open Development Cambodia.
Trước khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Campuchia tại Trung Quốc từ đầu năm 2024, bà Soeung Rathchavy từng đảm nhận vai trò Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế (Secretary of State of the Ministry of Foreign Affairs and International Cooperation). Bà cũng từng giữ chức Đại sứ Campuchia tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Ireland, Na Uy và Thụy Điển trong suốt thời gian từ năm 2017 - 2020.
Kelvin Huynh
Bình luận