(TAP) - Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian mang sắc thái nguyên thủy xuất hiện khá phổ biến ở Việt Nam với nguồn gốc lịch sử sâu xa, thích ứng theo thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu được hình thành và phát triển từ tín ngưỡng bản địa thờ Nữ thần và Mẫu thần cùng những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa để đạt đến đạo thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Tín ngưỡng phát triển nhiều nhất ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Theo Cục Di sản văn hoá Việt Nam, tín ngưỡng này xuất phát từ khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân Việt Nam. Thờ Mẫu là tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh, thờ phụng những vị nữ thần gắn liền với hiện tượng tự nhiên, vũ trụ như trời, đất, sông nước, rừng núi. Ngoài ra các vị thái hậu, hoàng hậu, công chúa tài giỏi khi sống có công với đất nước, khi mất phù trợ cho nhân dân cũng được tôn thành Mẫu. Đạo Mẫu dựa trên hình tượng người mẹ với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người. Đồng thời là chỗ dựa tinh thần mà người phụ nữ Việt Nam gửi gắm ước vọng giải thoát của bản thân khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội.
Tín ngưỡng mang nhiều ý nghĩa trong đời sống tinh thần người Việt. Ảnh: VICAS
Các nhà nghiên cứu cho biết, tín ngưỡng thờ Mẫu được tích hợp bởi ba tầng thờ là thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam phủ, Tứ phủ. Nữ thần có thể là những nhiên thần như Thần Sấm, Thần Mây, Thần Mưa, Mẹ Lúa, Mẹ Chim, Mẹ Cá hoặc nhân thần như Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Âu Cơ, Ỷ Lan, Bà Trưng, Bà Triệu. Thờ Mẫu thần là thờ phụng vị thần gắn với chức năng sinh đẻ, chăm sóc và nuôi dạy con cái. Thờ Tam phủ, Tứ phủ là mức phát triển cao từ thờ Mẫu thần. Đại diện là 4 Mẫu Thần gồm: Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa ứng với 4 không gian: trời, rừng núi, sông nước và đất.
Tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam qua các câu truyện lịch sử và truyền thuyết. Đạo Mẫu mang giá trị nhân văn, phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc. Tín ngưỡng thể hiện đậm nét chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Điều này thể hiện rõ qua việc khoảng 50 nhân vật lịch sử có công với dân tộc được tôn thờ trong Đạo Mẫu. Ngoài ra tín ngưỡng này có sự bình đẳng, không phân biệt dân tộc, đa số cũng như thiểu số, minh chứng tinh thần người Việt luôn sẵn sàng mở cửa tiếp nhận văn hóa đa dạng. Các đền, phủ có mặt từ đồng bằng đến miền núi và khắp các tỉnh thành cả nước. Có nơi thờ riêng nhưng cũng có nơi thờ chung ở khuôn viên chùa.
Nhân dân dựa vào tinh thần trên sáng tạo nên các lễ hội và hình thức diễn xướng hầu đồng. Ngoài kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh còn có các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, kiến trúc. Trong đó, diễn xướng là hình thức sân khấu tâm linh trong văn hóa Đạo Mẫu. Nghi lễ Hầu Đồng sản sinh ra âm nhạc hát văn, một loại hình dân ca tiêu biểu của người Việt đóng góp vào kho tàng âm nhạc thế giới.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trở thành di sản thế giới. Ảnh: TTXVN
Tín ngưỡng thờ Mẫu mang nhiều ý nghĩa và nhân văn sâu sắc cho đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hình thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đang bị mai một, biến tướng, xuyên tạc. Một số người đã lợi dụng khiến tín ngưỡng này nhuốm màu thần quyền, mê tín dẫn đến tín đồ có suy nghĩ sai lệch. Tình trạng thương mại hóa các nghi lễ, lễ hội xuất hiện ở một số nơi, chất lượng tổ chức nghi lễ, lễ hội ở một số địa phương chưa cao, chưa thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức truyền thống. Các bàn thờ Mẫu, thờ Cô, thờ Chúa góp phần cho sự xuất hiện nghi lễ liên quan đến việc cầu cúng, xin xăm, bói quẻ, xin keo. Hình ảnh Phật Mẫu vô tình đã để lại trong tư duy một số phật tử rằng thần linh có quyền năng chi phối cuộc sống con người. Vai trò của con người từ đó bị mờ nhạt đi. Cùng với đó, Nghi lễ Chầu văn ở nhiều nơi đang làm sai lệch đi giá trị cốt lõi của Đạo Mẫu.
Trước tình trạng trên, nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách để tiếp tục bảo vệ và phát huy di sản văn hóa thờ Mẫu. Bên cạnh đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh. Việc này nhằm phổ biến những hiểu biết về nguồn gốc, bản chất, những giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu.
Với mục đích tôn vinh giá trị văn hóa thờ Mẫu, năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch đưa Nghi lễ Chầu văn vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép gửi hồ sơ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt để UNESCO xem xét. Ngày 01/12/2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Minh Minh
Bình luận