Theo nhận định của các chuyên gia thuộc ngành lương thực toàn cầu, gạo, lúa mì, ngũ cốc cùng nhiều loại thực phẩm khác đang không ngừng tăng và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.
Báo Dân trí (Việt Nam) ngày 13/6/2022 đưa tin, theo nhận định của chuyên gia, vài tháng qua giá lương thực toàn cầu (lúa mì, thịt, dầu ăn, các loại ngũ cốc) không ngừng tăng lên. Tình hình chiến sự căng thẳng giữa Nga - Ukraine và nhu cầu xuất nhập khẩu năng lượng, giá thành phân bón leo thang là một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề này.
Bên cạnh đó, việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ, Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì chỉ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước; đồng thời thị trường tiêu thụ đường, lúa mì, yến mạch từ Ukraine bị gián đoạn,… cũng góp phần khiến giá lương thực thế giới trở nên “lạm phát”.
Thế giới đang đối mặt trước tình trạng bất ổn giá lương thực trầm trọng (Nguồn: Dân Trí)
Nếu đánh giá một cách khách quan, Nga và Ukraine đều là cường quốc về xuất khẩu lúa mì thế giới, do đó, có thể khẳng định chiến sự giữa hai quốc gia là nguyên nhân chính dẫn đến thị trường lương thực liên tục đội giá. Cụ thể, việc bị gián đoạn canh tác và hạn chế xuất khẩu ngũ cốc Ukraine khiến giá lúa mì tăng gấp đôi so với năm 2021.
Theo chỉ số phân tích giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, tháng 5/2022 cũng đánh dấu cột mốc mặt hàng gạo tiếp tục tăng và đạt mức giá cao nhất trong 12 tháng.
Sonal Varma - nhà kinh tế tại Nomura (công ty cổ phần tài chính Nhật Bản) nhận định, chi phí canh tác nói chung và lúa mì nói riêng đang ở mức cao, giá gạo vì thế cũng có thể tăng mạnh vào thời gian tới. Tuy nhiên, nguồn gạo dự trữ toàn cầu hiện đang dồi dào, rủi ro dẫn đến viễn cảnh trên dường như rất thấp. Chưa kể trong mùa hè 2022, thị trường lương thực Ấn Độ nhiều khả năng sẽ bộ thu lớn.
Chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực David Laborde tiết lộ, cho dù Ấn Độ là thị trường cung cấp tiềm năng song không loại trừ khả năng nước này sẽ cấm xuất khẩu gạo như từng ban hành với lúa mì trước đó. Nếu thật sự Ấn Độ có dự định này, ông Laborde hy vọng chính quyền nước này nên suy nghĩ cẩn trọng. Bởi việc tăng giá để bù đắp chi phí sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề hơn so với cấm xuất khẩu - hành động có thể đẩy giá lương thực thế giới nhưng lại kìm hãm thị trường nước nhà.
Đại diện Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế tại khu vực Đông Nam Á Nafees Meah cho rằng, giá gạo tăng ảnh hưởng xấu đến nhiều quốc gia châu Á. Đặc biệt, các quốc gia đông dân, đòi hỏi nguồn cung lúa gạo lớn như Đông Nam Á (Lào, Campuchia, Indonesia, Timor-Leste,…) sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu giá gạo tiếp tục tăng và giữ ở mức cao.
Thái Sơn (TH)
Bình luận