Taliban và Hoa Kỳ thỏa thuận trao đổi tù nhân
Tin Quốc Tế

Taliban và Hoa Kỳ thỏa thuận trao đổi tù nhân

Hoa Kỳ và Chính quyền Taliban vừa hoàn tất vụ trao đổi tù nhân đầu tiên kể từ tháng 8/2021.

Báo Dân trí (Việt Nam) ngày 20/9/2022 đưa tin, chính quyền Taliban - Tiểu vương quốc Hồi giáo ở Afghanistan vừa thỏa thuận thả một kỹ sư Hoa Kỳ nhằm đổi lấy sự tự do cho Bashar Noorzai - chỉ huy quân sự khét tiếng quốc gia này. Trước đó, Bashar Noorzai là đối tượng nguy hiểm từng bị chính quyền Washington, D.C. bắt giữ năm 2005 với nhiều cáo buộc liên quan đến buôn lậu ma túy trị giá hơn 50 triệu USD.

Taliban và Hoa Kỳ thỏa thuận trao đổi tù nhân

Bashar Noorzai (ngoài cùng, áo trắng) vừa được trả tự do ngày 19/9/2022 (Nguồn: Dân trí)

Vào ngày 19/9/2022, phía Taliban cho biết, tổ chức Hồi giáo cực đoan này vừa thả tự do Mark Frerichs – kỹ sư kiêm cựu lính hải quân quốc tịch Mỹ bị bắt giữ vào năm 2020, đồng thời yêu cầu Hoa Kỳ có động thái tương tự với thủ lĩnh Noorzai. Cách đây không lâu, ông Joe Biden từng ký quyết định ân xá cho Bashar Noorzai. Vì thế, vụ trao đổi tù nhân ở sân bay Kabul (Afghanistan) ngày 19/9/2022 diễn ra tương đối suôn sẻ.

Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiết lộ, sau khi rời Afghanistan, kỹ sư Frerichs được chuyển tới Doha (Thủ đô Qatar) bằng máy bay quân sự. Mặc dù bị bắt và giam giữ từ năm 2020, song sức khỏe công dân này vẫn ổn định. Cũng liên quan đến vụ việc trên, các chuyên gia đánh giá cuộc trao đổi tù nhân mới đây là động thái ngoại giao hiếm hoi giữa Washington và Kabul kể từ tháng 8/2021 - thời điểm quân đội Joe Biden hoàn toàn rời khỏi lãnh thổ Afghanistan.

Hơn 1 năm sau ngày giành quyền kiểm soát hoàn toàn Afghanistan, Taliban phải đối mặt với tình trạng kinh doanh sản xuất trì trệ, thất nghiệp, lạm phát và nạn đói nghiêm trọng. Đánh giá tình hình hiện tại, khủng hoảng kinh tế cũng như thiếu hụt lương thực thậm chí còn ảnh hưởng nặng nề đến quốc gia Tây Nam Á này hơn.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC), Afghanistan cần viện trợ khoảng 4,47 tỷ USD để giảm tải áp lực kinh tế. Nếu không thể kêu gọi hỗ trợ kịp thời, nhiều khả năng đến cuối năm 2022, khoảng 97% dân số Afghanistan sẽ sống dưới mức nghèo khổ. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt nhằm vào chính quyền Taliban vẫn chưa được gỡ bỏ, viễn cảnh quốc gia Tây Á này nhận viện trợ tài chính từ các tổ chức nhân đạo thế giới gần như rất khó xảy ra.

Thái Sơn (TH)

Bình luận