(TAP) - Sau cơn bão Yagi, bên cạnh những mất mát về cơ sở vật chất nhà cửa và tính mạng, người dân có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như dịch bệnh và các vấn đề về tâm lý. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Các em có thể bị sang chấn tâm lý khi phải chứng kiến thảm họa lũ lụt, sạt lở đất, trải qua giai đoạn sinh tử hoặc mất đi người thân trong cơn bão.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam, sang chấn tâm lý là hậu quả của phản ứng cơ thể trước những tình huống căng thẳng hoặc mang tính chất đe dọa đến cuộc sống. Khiến cá nhân trải nghiệm sự quá tải về cảm xúc và thể chất, để lại những hệ quả lâu dài về các khía cạnh thể chất, cảm xúc, xã hội hay tinh thần.
Có rất nhiều nguyên nhân hình thành sang chấn tâm lý ở một người. Chẳng hạn như: Các sự kiện tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến con người, làm đảo lộn cuộc sống của con người; Những sự kiện làm con người đau khổ, đe dọa tính mạng, hay gây ra tổn hại về tinh thần nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế, làm đổ vỡ kinh tế của gia đình, làm suy sụp và không có khả năng chống đỡ; Các thảm họa thiên tai, lũ lụt trôi hết nhà cửa, chết người; Các vấn đề về bạo lực tại gia đình, trường học, hiếp dâm, cưỡng bức; Những tai nạn mất đi người thân, mất việc làm, phá sản, những vấn đề về gia đình như ly hôn, ly thân, sự ra đi đột ngột của người thân, mất việc, nợ nần…
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Việt Nam)
Cụ thể trong trường hợp này là vấn đề sang chấn tâm lí ở trẻ em sau thiên tai bão lũ. Trải qua nhiều biến cố, trẻ nhỏ dễ gặp khó khăn về tâm lí như sốc, hoảng loạn…Nếu không được phát hiện, hỗ trợ, điều trị kịp thời, sang chấn tâm lý gây ra nhiều hậu quả tiêu cực về mặt cơ thể và tinh thần của các em. Đáng chú ý, sang chấn tâm lý có khả năng sẽ kéo dài đến tuổi trưởng thành. Một số ảnh hưởng có thể xảy ra gồm:
- Ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương tạo ra các biến đổi có thể gây teo não, thoái hóa não ở những vùng khác nhau, làm suy giảm trí nhớ và khả năng nhận thức, học tập.
- Ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch thông qua hệ thống thần kinh nội tiết làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Do đó, những người gặp phải sang chấn tâm lý thường có sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh lý khác.
- Ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch qua tác động đến hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống thần kinh ngoại biên. Dễ nhận thấy nhất là tăng huyết áp và nhịp tim nhanh. Ngoài ra, sang chấn tâm lý có thể ảnh hưởng đến co thắt mạch vành, gây cảm giác đau ngực, thậm chí nhồi máu cơ tim.
- Ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa làm giảm sự ngon miệng, rối loạn bài tiết men tiêu hóa, acid đường tiêu hóa gây loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, rối loạn vi khuẩn đường ruột…
- Ảnh hưởng đến hệ nội tiết: Sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến rất nhiều tuyến nội tiết trong cơ thể bao gồm: hệ thống trục dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến tụy, hệ thống adrenalin.
- Ảnh hưởng đến cơ thể với các biểu hiện thường thấy như đau đầu, co cứng cơ, căng cơ, đau tức ngực, mệt mỏi, đau dạ dày, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, ngủ mơ, gặp ác mộng…
- Ảnh hưởng đến cảm xúc, dễ gặp chứng lo âu, bồn chồn, bứt dứt, khó chịu, hoảng sợ, trầm cảm, dễ kích thích, bực bội, kích động,
- Ảnh hưởng đến hành vi, ăn uống vô độ, chán ăn hoặc sử dụng rượu, chất kích thích, chất dạng thuốc phiện, thuốc lá, hạn chế vận động thể dục thể thao, giao tiếp xã hội.
Chính vì thế, phụ huynh hoặc người chăm sóc nên chú ý, theo dõi tình hình của trẻ em sau thiên tai bão lũ. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện lo âu, trầm cảm sau thiên tai cần quan tâm điều trị đúng cách. Điển hình là tạo một môi trường an toàn kết hợp giao tiếp mở, hỗ trợ, khuyến khích, lắng nghe trẻ chia sẻ cảm xúc. Tiếp theo, duy trì thói quen sinh hoạt ổn định, áp dụng kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, giải tỏa cảm xúc, thiền giúp trẻ giảm bớt căng thẳng, cảm thấy an toàn. Đồng thời, phụ huynh, người chăm sóc cũng nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động mang tính xã hội cùng bạn bè để cân bằng tâm lý. Để đảm bảo trẻ được đánh giá và điều trị phù hợp, phụ huynh nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý.
Tra My
Bình luận