Theo Báo Tin tức (Việt Nam), chiều 15/12 dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug, Hội nghị thường niên APPF lần thứ 29 đã diễn ra phiên họp toàn thể cuối cùng và tiến hành lễ bế mạc. Trong phiên họp, các thành viên Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả làm việc từ Hội nghị nữ nghị sĩ và Ủy ban soạn thảo Thông cáo chung; đồng thời nhất trí thông qua những thay đổi về Quy chế làm việc của APPF, 13 dự thảo nghị quyết và Thông cáo chung.
Tại phiên họp, Hội nghị đã chúc mừng Hội đồng lập pháp Brunei Darussalam chuyển từ vị trí quan sát viên trở thành thành viên chính thức của APPF. Đồng thời, chuyển giao chức Chủ tịch APPF cho Quốc hội Thái Lan và vai trò chủ nhà APPF-30 (dự kiến tổ chức vào năm 2022) cho “xứ Chùa Vàng”. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai đã có bài phát biểu tiếp nhận chức vụ mới - Chủ tịch APPF.
Phiên họp toàn thể cuối cùng và lễ bế mạc Hội nghị thường niên APPF-29. Ảnh: QHVN
Bên cạnh đó, APPF-29 còn nhất trí đề cử của Ban Chấp hành APPF nhiệm kỳ mới gồm: Quốc hội Việt Nam, Quốc hội Nhật Bản và Quốc hội New Zealand. Được biết, mhiệm kỳ mới APPF sẽ có thời hạn 04 năm, bắt đầu từ Hội nghị APPF-30 đến hết APPF-33.
Ngoài ra, Hội nghị còn đề cập đến nhiều vấn đề khác như: hợp tác khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thách thức từ đại dịch COVID-19 và khủng hoảng về biến đổi khí hậu,… Trong đó Việt Nam được xem là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, vì vậy Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đề xuất, sáng kiến nhằm quản lý toàn diện rủi ro biến đổi khí hậu và thiên tai; hỗ trợ và thúc đẩy các quốc gia huy động nguồn tài chính đầu tư vào các dự án công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng…
Như vậy, sau gần 3 ngày hợp tác làm việc trên tinh thần tích cực, khẩn trương, Hội nghị thường niên APPF-29 đã thông qua nhiều Thông cáo chung thể hiện nỗ lực của các nghị viện thành viên trong việc củng cố hợp tác đa phương, đoàn kết và phục hồi sau đại dịch.
Lê Phương (TH)
Bình luận