Sáng 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát “việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, dự phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Nguyễn Thị Thanh - Phó trưởng đoàn giám sát; Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, cùng đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và một số bộ, ngành.
Quang cảnh phiên họp “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Nguồn: moet.gov.vn
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chuyên đề giám sát thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” được dư luận xã hội, nhân dân rất quan tâm. Mục tiêu của Đoàn giám sát là chỉ ra những mặt tốt đã làm được nhằm tiếp tục phát huy, đồng thời nhìn nhận rõ những tồn tại, vướng mắc để kịp thời khắc phục, tháo gỡ. Qua đó góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ báo cáo Đoàn giám sát về tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch và nhiều văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa; những địa phương tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương; triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình được quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội.
Về công tác chỉ đạo thực hiện chương trình, theo Thứ trưởng, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 do Quốc hội ban hành là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tác động rất lớn đối với cả thế hệ học sinh và sự phát triển đất nước. Vì vậy, quá trình triển khai thực hiện phải đặc biệt coi trọng nhận thức đúng và đầy đủ về nội dung, phương pháp dạy học và yêu cầu về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của chương trình mới. Từ đó tạo niềm tin đối với chất lượng giáo dục khi thực hiện chương trình mới và có quyết tâm cao trong việc triển khai thực hiện.
Trong quá trình triển khai chương trình phải bám sát tình hình thực tế, phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời; đặc biệt chú trọng công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn điều hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương, cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm, mục tiêu đổi mới đã đề ra trong chương trình. Việc triển khai chương trình mới cần đặc biệt chú trọng về phương pháp, cách thức thực hiện đúng định hướng; bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ nội dung giáo dục, thực hiện đúng yêu cầu đổi mới về phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu cần đạt đổi với từng nội dung giáo dục theo chương trình; tạo cơ hội cho học sinh phát triển phẩm chất, năng lực theo mục tiêu của chương trình. Ngoài ra, cần xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông theo hướng mở, coi trọng việc rà soát, điều chỉnh về phương pháp, cách thức thực hiện chương trình; đồng thời tiếp tục phát triển chương trình để bảo đảm phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu thực tiễn.
Tại phiên họp, một số thành viên Đoàn giám sát đặt câu hỏi với Bộ GD&ĐT. Những câu hỏi liên quan đến việc tìm kiếm giải pháp đào tạo, bố trí giáo viên dạy các môn học tích hợp, môn học mới trong chương trình; giải pháp nhằm giúp học sinh bổ trợ kiến thức khi tiếp cận chương trình mới, đồng thời giúp giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm khắc phục tình trạng “đứt gãy” kiến thức của học sinh giữa nội dung chương trình cũ ở cấp học dưới và chương trình mới ở cấp học trên; việc chuyển đổi phương thức thi, kiểm tra, đánh giá năng lực nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục theo đúng định hướng đề ra; giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận, chia sẻ của xã hội khi thực hiện chương trình… Đại diện Bộ GDĐT đã trao đổi, giải đáp về những vấn đề Đoàn giám sát nêu.
Trúc Thanh (TH)
Bình luận