(TAP) - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Việt Nam) vừa công bố báo cáo đánh giá kết quả thực thi các quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh năm 2023. Qua quá trình rà soát và giám sát, cơ quan quản lý phát hiện nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh “lôi kéo khách hàng bất chính”.
Được biết, vào năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã tiếp nhận hồ sơ khiếu nại và chủ động phát hiện đối với 25 trường hợp liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sữa công thức, sữa non, điện máy, điện lạnh, bảo hiểm nhân thọ…
Ảnh minh họa
Theo đó, một số doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực kể trên có dấu hiệu “lôi kéo khách hàng bất chính”. Họ đã cung cấp, đăng tải thông tin thổi phồng công dụng sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp nhằm thu hút khách hàng nhưng không kèm chú thích hoặc tài liệu hợp pháp chứng minh. Điển hình như, một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh sữa non, sữa dành cho trẻ em sử dụng các từ ngữ như “số 1 Việt Nam”; “sữa trẻ em số 1 Việt Nam”; “sữa ngủ ngon số 1 Việt Nam”; “giúp bổ sung dinh dưỡng gấp 10 lần”… nhưng không rõ ràng về chú thích, tiêu chí so sánh, tiêu chuẩn xếp hạng.
Hay ở lĩnh vực kinh doanh sản phẩm điện máy, điện lạnh, lực lượng chức năng cũng phát hiện một số doanh nghiệp thường xuyên dùng các câu từ quảng cáo không đúng dự thật như: tủ lạnh “khử mùi, diệt khuẩn 99,9%”; máy điều hòa “tiết kiệm 60% năng lượng so với chế độ thường”; máy lọc khí “tốp 1” về độ ồn thấp, hiệu suất lọc, tiết kiệm điện năng, “hiệu suất khử formaldehyde > 99,9%”, “hiệu suất diệt vi khuẩn > 99,9%”, có “công nghệ Streamer phân hủy đến 99,9% vi khuẩn, vi rút, nấm mốc và các chất gây hại”…
Ngoài ra, ở lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu với các câu giới thiệu như: “Thương hiệu số 1 về trải nghiệm khách hàng”, “công ty bảo hiểm với danh mục loại trừ ít nhất thị trường”, “mạng lưới phân phối đa dạng và rộng nhất Việt Nam”, “tập đoàn bảo hiểm số 1 tại Ý”…
Ảnh minh họa
Những việc làm này là biểu hiện của hành vi cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ làm suy giảm tính minh bạch và công bằng trong kinh doanh mà còn tạo ra những rủi ro về sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng. Trên cơ sở xem xét, đánh giá kết quả rà soát, giám sát nêu trên, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho biết sẽ tiếp tục điều tra, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong các lĩnh vực trong năm 2024.
Hoang Anh
Bình luận