Cỏ biển cổ Posidonia Australis – loài thực vật lớn nhất thế giới vừa được phát hiện tại Úc với diện tích bao phủ của đồng cỏ lên đến hơn một trăm dặm và có tuổi thọ hàng nghìn năm.
Thông tin từ báo điện tử Vnexpress (Việt Nam) cho biết, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tây Australia và Đại học Flinders (Úc) vừa tìm thấy một cánh đồng cỏ biển cổ Posidonia Australis hay còn gọi là cỏ ruy băng Poseidon ở vịnh Shark, ngoài khơi phía Tây nước Úc. Cánh đồng được phát hiện có diện tích bao phủ 200km2 với tuổi thọ ước tính lên đến khoảng 4.500 năm tuổi.
Một phần của cánh đồng cỏ ruy băng Poseidon lớn nhất thế giới. Ảnh: Đại học Tây Úc
Được biết, ban đầu nhóm nhà khoa học chỉ thực hiện chuyến đi nghiên cứu về sự đa dạng di truyền của các cánh đồng cỏ biển trên vịnh Shark. Tuy nhiên, sau khi họ lấy mẫu các chồi cỏ non từ khắp nơi với nhiều môi trường khác nhau trong khu vực, thông qua kiểm tra 18.000 dấu hiệu di truyền, lập hồ sơ về thực vật thì kinh ngạc phát hiện chúng thuộc một cây duy nhất. Từ một cây con và bằng cách nhân bản chính mình chúng đã lan ra đến 200km2, trở thành thảm thực vật lớn nhất trên Trái Đất từng ghi nhận.
Hiện nghiên cứu đặc biệt này đang được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.
Tiến sĩ Elizabeth Sinclair – tác giả cao cấp của nghiên cứu, đại diện nhóm nhà khoa học cho biết, họ đang chuẩn bị kế hoạch tiến hành nhiều thí nghiệm hơn trên loài thực vật đặc biệt này nhằm khám phá thêm những bí mật về cách tồn tại, sinh trưởng cũng như phát triển cỏ ruy băng Poseidon trong điều kiện biến đổi đa dạng từ môi trường sống.
Thanh Hà (TH)
Bình luận